(HNMO) - Tỷ lệ không tuân thủ quy định về lương tối thiểu trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam là 6,6 %, thấp nhất khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại tác động tới tỷ lệ tuân thủ này…
Việc chốt phương án tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017 vừa qua vẫn không được sự đồng tình của một số doanh nghiệp dệt may với nhiều lý do. Một trong số đó là năng lực của công nhân chưa theo kịp tỷ lệ tăng tương ứng của lương tối thiểu.
Tuy vậy, báo cáo “Nghiên cứu dệt may và da giày châu Á – Thái Bình Dương” mới đây của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) lại cho thấy: Việt Nam đứng đầu trong số 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á về việc tuân thủ chế độ lương tối thiểu trong ngành dệt may.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Báo cáo này cho biết tỷ lệ không tuân thủ quy định về lương tối thiểu trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam là 6,6 %, thấp nhất khu vực. Theo đó, cứ 100 lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may Việt Nam thì chỉ khoảng gần 7 người phải nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trong khi đó mức LTT mà Luật quy định được hiểu là mức trả công lao động thấp nhất cho người lao động tương ứng với trình độ lao động giản đơn nhất diễn ra trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Dẫn số liệu theo báo cáo trên thì tỷ lệ không tuân thủ của các nước trong khu vực như sau: Campuchia (25,6%), Philippines (53,3%), Ấn Độ (50,7%), Indonesia (39,1%), Thái Lan (37,5%)… Điều đó đồng nghĩa rằng lao động ngành dệt may ở các nước này có số người bị trả lương thấp hơn LTT của họ là khá lớn.
Ở khía cạnh tỷ lệ vi phạm nghiêm trọng (trả lương thấp hơn 80% mức lương tối thiểu) tại Việt Nam chỉ nằm ở mức 3,8% và tỷ lệ vi phạm ở mức độ vừa phải (trả lương trong khoảng từ 80% đến dưới 100% lương tối thiểu) cũng chỉ ở mức 2,8%. Còn tỷ lệ vi phạm nghiêm trọng ở Philippines và Ấn Độ lần lượt là 38,8% và 34,9%. Khoảng 1/4 người lao động dệt may Indonesia cũng nhận lương thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu.
Về đối xử với lao động nữ, báo cáo của ILO xếp Việt Nam là một trong những quốc gia có khoảng cách về giới nhỏ nhất (5,7 điểm phần trăm), xếp sau Campuchia và Indonessia. Trong khi đó, Pakistan có sự khác biệt nam-nữ trong tỷ lệ không tuân thủ cao nhất (60,4 điểm phần trăm). Báo cáo cũng chỉ ra rằng người lao động có trình độ văn hóa thấp hơn cũng dễ bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu.
Theo một số chuyên gia về lao động thì chỉ số mức độ không tuân thủ chỉ là một khía cạnh quan trọng để nói lên sự khác biệt giữa một người lao động hưởng lương tương đương 99% mức lương tối thiểu và một người chỉ được trả một nửa mức lương tối thiểu. Hay hiểu một cách cụ thể đó là sự tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động khi trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì cách xác định mức sống tối thiểu, mức lương tối thiểu đang có độ vênh khá lớn. Tổ chức Công đoàn, đại diện cho người lao động cho rằng mức lương tối thiểu hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% mức sống tối thiểu.
Mặt khác, mức tuân thủ trả lương tối thiểu còn phụ thuộc vào cách thiết kế hệ thống tiền lương tối thiểu và độ phức tạp của cơ chế tiền lương. Và quan trọng nó cũng phản ánh vai trò của các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình điều chỉnh tiền lương, cũng như thể chế quản trị thị trường lao động, hệ thống thanh tra lao động của ngành lao động.
Mặc dù được đánh giá cao về tỷ lệ tuân thủ tiền lương tối thiểu trong ngành dệt may, da giày- một ngành đang ngày một phát triển tại Việt Nam nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam vẫn đang đương đầu với nhiều lo ngại khác.
Trước hết đó là vấn đề tiền lương tối thiểu không đáp ứng đủ cuộc sống tối thiểu, tình trạng năng suất lao động vẫn thuộc diện thấp trong khu vực. Đồng thời, tình hình khó khăn của các doanh nghiệp ngành may đang gặp khó khăn, chịu nhiều áp lực nếu không được giải tỏa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức độ tuân thủ này.
Hơn nữa, các số liệu về Việt Nam sử dụng trong báo cáo này là từ năm 2013, nhưng hiện lương tối thiểu đã tăng đáng kể trong ba năm qua nên khó biết mức độ tuân thủ này có tiếp tục được giữ vững nữa hay không. Cụ thể, tiền lương tối thiểu vùng của Việt Nam tăng trong khoảng 12-15% mỗi năm trong các năm 2014-2016 và sẽ tiếp tục tăng 7,3% trong năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.