(HNMO) - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), sáng 3-6, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”. Cuộc tọa đàm được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến phát biểu đã phân tích và làm rõ những vấn đề: Việc tính chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt? Thế nào là tính đúng, tính đủ? Việc tính giá dịch vụ này được thực hiện theo phương pháp nào? Các đơn vị liên quan gặp thuận lợi và khó khăn gì trong công tác xây dựng giá? Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tính phí dịch vụ nói trên...
Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), hiện nay, mức thu giá vệ sinh môi trường (VSMT) đối với hộ gia đình ở Hà Nội còn rất thấp, chỉ 6.000đ/tháng đối với nội thành, 3.000đ/tháng ngoại thành (tại Đà Nẵng là 20.000đ/tháng/ hộ gia đình; tại thành phố Hồ Chí Minh, hộ gia đình nội thành hạng I, hạng II là 22.000 đồng/tháng; hộ gia đình nội thành hạng III, hạng IV là 16.500 đồng/tháng). Chi phí thu này chỉ bằng 15% chi phí thực mà chưa có chi phí cho việc xử lý.
Việc thực hiện đơn giá duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quyết định số 453/QĐ – UBND ngày 21-01-2021có một số vấn đề bất cập và khó khăn về cấp bậc thợ, về hệ số bảo đảm thu nhập, biến động nhiên liệu, nguyên giá, thời gian khấu hao, chi phí quản lý chung... Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, đời sống người lao động không bảo đảm, công nhân không gắn bó lâu dài với công việc, doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện chi trả BHXH, BHYT...
Sau khi phân tích thực trạng về chi phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các ý kiến trình bày tại tọa đàm đã đưa ra 4 kiến nghị: Thứ nhất, các bộ ngành có liên quan cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện. Cần có quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị...
Thứ hai: Có chế tài đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thứ ba: Trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan chức năng liên quan, tổ trưởng dân phố và đối tượng sử dụng dịch vụ.
Thứ tư: Trong cơ cấu giá chi phí dịch vụ cần có tỷ lệ phần trăm thích hợp để bồi dưỡng cho lực lựng trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt...
Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm sẽ được Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tập hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.