(HNM) - Theo Công văn số 2408/BNN-TY ngày 20-7-2013, bắt đầu từ ngày 1-9-2013, Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng sau 3 năm tạm dừng.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn sản phẩm nội tạng động vật khi sử dụng. |
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2007 khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), số lượng nhập khẩu các loại nội tạng trắng có xu hướng tăng lên: Năm 2008 là trên 300 tấn, năm 2009 gần 448 tấn… chủ yếu nhập từ các nước Châu Âu. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện một số lô hàng không bảo đảm chất lượng và đã đề xuất với Chính phủ cho phép tạm ngừng. Vì vậy, ngày 7-7-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 1152/TTg-KTTH yêu cầu Bộ NN&PTNT tạm dừng kiểm dịch nội tạng trắng. Sau 3 năm tạm ngừng, ngày 20-7-2013 Bộ NN&PTNT có Công văn số 2408/BNN-TY cho phép từ ngày 1-9-2013, các loại nội tạng trắng được nhập khẩu trở lại với lý do để kiểm soát được sản phẩm theo đường chính ngạch và không vi phạm các nguyên tắc của WTO…
Chị Nguyễn Thị Mùi, tiểu thương tại chợ Hà Đông cho biết, kể cả khi các cơ quan chức năng ngừng nhập khẩu nội tạng trắng thì người tiêu dùng cũng vẫn sử dụng loại thực phẩm này hằng ngày bởi đây là món khoái khẩu của không ít người, chưa thể từ bỏ ngay được. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng đã chú ý nhiều hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nên sức mua loại hàng này giảm nhiều. Chị Phạm Thị Vượng (Hà Đông) cho biết, việc các ngành chức năng cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng khiến người tiêu dùng lo ngại bởi đây là cơ hội tốt cho những đối tượng vì lợi nhuận mà nhập các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hoặc bị ôi thiu sau đó về xử lý hóa chất bán ra thị trường. Thực tế, thời gian vừa qua, ngay cả khi bị cấm, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện, thu giữ hàng chục tấn nội tạng nhập khẩu không bảo đảm ATVSTP nhập lậu. "Nếu Nhà nước không kiểm soát tốt, việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn mang mầm bệnh gây hại cho cả xã hội" - chị Vượng nhận định.
Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, việc cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đã được Bộ NN&PTNT giải thích lý do, nếu quản lý tốt sẽ góp phần đẩy lùi hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch mà đa phần không kiểm soát được an toàn thực phẩm (ATTP). Mặt khác, nội tạng trắng là sản phẩm của giết mổ công nghiệp, thường quản lý bệnh truyền nhiễm tốt hơn sản phẩm của giết mổ thủ công nên có thể yên tâm hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm ATTP tới người tiêu dùng đòi hỏi phải được quản lý tốt từ khâu kho chứa tập kết cho tới phương tiện bảo quản khi chuyên chở, phân phối hàng tới các điểm tiêu thụ. Để kiểm soát, kiểm tra đánh giá dư lượng thuốc, hoocmon, chất bảo quản… đòi hỏi phải có trang thiết bị, máy móc phù hợp và có hàng rào kiểm soát kỹ thuật khi nhập khẩu mới cho hiệu quả. Hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là hai thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm nội tạng động vật nên trong thời gian tới, các cơ quan chức năng như thú y, quản lý thị trường, y tế cần chú trọng công tác giám sát, kiểm tra các kho bảo quản, siêu thị, các chợ tiêu thụ sản phẩm động vật, nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Đặc biệt, Nhà nước cần phải trang bị máy móc, thiết bị cho các cơ quan chuyên môn nhằm kiểm tra đánh giá được chất lượng sản phẩm động vật nói chung, nội tạng nói riêng khi tới tay người tiêu dùng.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, nhập khẩu chính ngạch nội tạng trắng để kiểm soát được tồn dư chất kháng sinh, vi khuẩn nhưng vấn đề quan trọng là phải xây dựng được hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, các bộ, ban ngành cần vào cuộc quyết liệt để kiểm tra chặt chẽ các lô hàng khi làm thủ tục tại cửa khẩu ở cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh là ba nơi chính cho phép nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. Các lô hàng phải bảo đảm ATVSTP, có giấy chứng nhận kiểm dịch rõ ràng thì mới được phép lưu thông trên thị trường, nếu không phải bị buộc tái xuất hoặc tiêu hủy. Ngoài ra, người dân cũng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn sản phẩm, nên mua ở những cơ sở có uy tín và có giấy chứng nhận đạt chất lượng của các cơ quan chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.