(HNM) - Nước Anh đang đứng trước tình huống khó khăn khi hàng chục nghìn y tá và nhân viên cứu thương tham gia cuộc đình công yêu cầu tăng lương để đối phó với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ. Dù câu chuyện chưa ngã ngũ, giới quan sát cho rằng, các hoạt động của ngành Y tế bị gián đoạn do đình công sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đời sống xã hội nước Anh.
Dù một số cuộc đình công trong ngành Y tế đã diễn ra kể từ cuối năm ngoái nhưng cuộc đình công ngày 6-2 vừa qua được xem là lớn nhất trong lịch sử 75 năm của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) - tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Anh.
Công đoàn Hiệp hội Điều dưỡng Hoàng gia (RCN) trên khắp Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland nêu rõ, việc bị trả lương thấp trong suốt 1 thập kỷ là lý do chính khiến hàng chục nghìn nhân viên y tế bỏ nghề. Ước tính, đã có khoảng 25.000 y tá tại Anh bỏ việc trong năm 2022, gây thiếu nhân sự trầm trọng, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
RCN ban đầu yêu cầu chính phủ tăng lương 5% so với lạm phát, nhưng sau nhiều tuần đàm phán hai bên vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận. Về phần mình, London kiên quyết với quan điểm, điều đó sẽ không thể được đáp ứng, một phần bởi việc tăng lương sẽ khiến giá cả tăng nhiều hơn, đồng thời khiến lãi suất và các khoản thanh toán thế chấp tăng lên.
Giới chức Anh nhận định, tình hình hiện nay sẽ gây thêm căng thẳng cho NHS. Điều này là dễ hiểu, bởi bản thân NHS, vốn là niềm tự hào của hầu hết người dân Anh, lâu nay đã chịu áp lực nặng nề với hàng triệu bệnh nhân trong danh sách chờ phẫu thuật và hàng nghìn người mỗi tháng không được chăm sóc kịp thời.
Bộ trưởng Y tế Anh Steve Barclay nhấn mạnh, dù đã có các biện pháp dự phòng nhưng các cuộc đình công của Công đoàn ngành cứu thương và điều dưỡng trong tuần này chắc chắn sẽ gây ra sự chậm trễ trong việc chăm sóc bệnh nhân vốn đã phải chờ đợi lâu hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, quan chức này thừa nhận sẽ có sự gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ y tế nhưng vẫn kêu gọi người dân tiếp tục sử dụng các dịch vụ khẩn cấp và tới các cuộc hẹn khám bệnh, trừ khi bị hủy. Người đứng đầu ngành Y tế đảo quốc Sương mù cũng cho biết đã tổ chức các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với các công đoàn về tiền lương và khả năng chi trả, đồng thời tiếp tục thúc giục các nhân viên y tế ngừng đình công.
Thực tế, cuộc đình công trong ngành Y tế mới chỉ là một phần trong bức tranh đầy rắc rối mà London đang phải đối mặt. Tỷ lệ lạm phát ở mức kỷ lục, hiện khoảng 10,5%, đã dẫn đến làn sóng đình công trên diện rộng.
Theo người đứng đầu Hiệp hội các Công đoàn Anh (TUC) Paul Nowak, mức lương bị giảm nhiều năm đã kéo theo các tiêu chuẩn sống của người lao động trong lĩnh vực công bị hạ thấp. Hệ quả là, từ đầu tháng 2-2023, đã có khoảng nửa triệu người lao động Anh, trong đó có nhiều người từ khu vực công như đường sắt hay giáo dục đình công.
Về phần mình, Người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak nêu rõ, Chính phủ Anh sẽ thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của lạm phát, đồng thời nhấn mạnh, đàm phán là hướng tiếp cận đúng đắn thay vì đình công.
Có thể thấy, Chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak đang gánh áp lực lớn trong việc vừa phải bảo vệ nền kinh tế, vừa phải giải quyết các tranh chấp, đồng thời tránh gián đoạn các dịch vụ công cộng và bảo đảm đời sống xã hội cũng như an sinh của người dân. Một hướng tiếp cận “vẹn cả đôi đường” cho thực trạng này không thể có được trong một sớm, một chiều. Vì thế, trong giai đoạn này, nước Anh hơn bao giờ hết cần duy trì sự đoàn kết, đồng thời tăng cường đối thoại để có được tiếng nói chung, thay vì hướng tới những biện pháp cực đoan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.