(HNM) - Cùng với cả nước, các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đang tiến hành tổng kết, đánh giá 15 năm (2000-2015) thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐK XDĐSVH). Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy đời sống văn hóa của người dân Thủ đô đã có sự chuyển biến tích cực,
Mô hình đám cưới tập thể văn minh, tiết kiệm tạo được hiệu ứng tốt trong đời sống. Ảnh: Mai Châm |
Mô hình cưới, tang văn minh được nhân rộng
Cuộc sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Hà Nội vô cùng sinh động, phong phú. Trong thời kỳ xây dựng, phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, văn hóa trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô, là nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, song, bên cạnh đó, cũng có những hủ tục cần loại ra khỏi đời sống cộng đồng. Điển hình là hủ tục lăn đường, để di hài người quá cố nhiều ngày, ăn uống linh đình, rải tiền, vàng mã… trong việc tang; các nghi lễ rườm rà trong việc cưới, nạn thách cưới, tảo hôn, ăn uống nhiều ngày với nhiều mâm cỗ gây lãng phí, tốn kém trở thành nỗi lo sợ của nhiều gia đình. Bởi vậy, khi triển khai phong trào TDĐK XDĐSVH, Hà Nội là địa phương tiên phong tuyên truyền, vận động nhân dân; đồng thời tạo điều kiện cho các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức việc cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, tổ chức việc tang văn minh, tiến bộ. Trên tinh thần đó, tùy vào chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế, các ngành, địa phương đã xây dựng, triển khai nhiều mô hình cưới, tang văn minh, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Đối với việc cưới, hàng trăm đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã chọn hình thức cưới tiệc ngọt, tiệc trà vui vẻ, ấm cúng do Đoàn thanh niên đứng ra tổ chức. Đa số hội viên các hội, ban, ngành, đoàn thể trở thành những tuyên truyền viên kiên trì vận động gia đình, cộng đồng “nói không” với hủ tục khi tổ chức cưới hỏi. Nhờ triển khai mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, 100% cán bộ, đảng viên, 100% số hộ gia đình trên địa bàn quận Hà Đông đã ký cam kết không vi phạm các quy định trong việc cưới. Hiện nay, số lễ cưới tổ chức trang trọng, tiết kiệm với lượng cỗ không quá 40 mâm (mâm 6 người), không mời thuốc lá, không mở loa đài to, kéo dài đến khuya ở Hà Đông đạt hơn 90%. Ở huyện Thanh Trì, nhân dân làng Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai có sáng kiến mời dự lễ cưới qua hệ thống loa truyền thanh. Tại khu vực miền núi huyện Ba Vì, đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì đã loại bỏ hoàn toàn tục thách cưới, tảo hôn, chỉ duy trì một số lễ nghi truyền thống. Việc ăn uống trong đám cưới cũng được đơn giản hóa, tương tự lễ cưới của người Kinh. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 11, ngày 3-10-2012 của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội cho đến nay, mô hình cưới văn minh ngày càng được nhân rộng, lan tỏa. Tiêu biểu như huyện Đan Phượng có 58,3% số lễ cưới mời dưới 300 khách, rất nhiều lễ cưới tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà. Huyện Hoài Đức khắc phục được tình trạng tổ chức cưới dài ngày với hàng trăm mâm cỗ…
Đối với việc tang, hình thức hỏa táng ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn. Ở các quận nội thành, tỷ lệ hỏa táng đạt 80% trở lên. Các huyện ngoại thành như Đông Anh, Thanh Trì, Thạch Thất, Phú Xuyên…, tỷ lệ hỏa táng cũng đạt 40-70%. Đáng ghi nhận hơn, các hủ tục trong việc tang đã cơ bản được xóa bỏ.
Bền bỉ thực hiện
Thực tế cho thấy, chuyển biến tích cực trong việc cưới, tang góp phần mang đến cho nhân dân Thủ đô một đời sống văn hóa mới. Song, để có thể đạt được những mục tiêu đặt ra trong lộ trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các mô hình này cần được duy trì, nhân rộng hơn nữa.
Theo đánh giá của BCĐ phong trào TDĐK XDĐSVH quận Tây Hồ, việc nhân rộng mô hình cưới văn minh gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là đời sống kinh tế ngày càng khấm khá, lại thêm tâm lý cả đời người chỉ có một lần, ai cũng muốn tổ chức cưới sao cho bằng bạn bè, anh em, sao cho thật đáng nhớ. Mặt khác, chính quyền và các ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác này, chưa gương mẫu thực hiện để người dân làm theo. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trần Sơn Hải, Trưởng ban Dân vận thuộc Quận ủy Hà Đông cho hay: Khi việc tổ chức cưới văn minh chưa thành nếp, thì sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, sát sao, bền bỉ của cả hệ thống chính trị giữ vai trò quyết định, nhưng công tác khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm cũng quan trọng không kém. Những năm qua, quận Hà Đông đã xử phạt hàng chục cán bộ, đảng viên vi phạm. Người dân vi phạm cũng bị nhắc nhở công khai. Mưa dầm thấm lâu, số lễ cưới “vượt ngưỡng” 40 mâm ở Hà Đông hiện không còn nhiều.
Để nhân dân thay đổi quan niệm, nhận thức về việc tang, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện. Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Liên Hà (Đông Anh) cho biết, thời gian đầu, không ít người dân xã Liên Hà bày tỏ băn khoăn với hình thức hỏa táng. Sau khi thấy gia đình một số cán bộ, đảng viên của huyện Đông Anh, xã Liên Hà và các xã lân cận đưa di hài người thân đi hỏa táng, thể hiện nét văn minh, giúp tiết kiệm, người dân dần thay đổi nhận thức. Để củng cố thêm niềm tin cho bà con, công tác tuyên truyền về tang lễ văn minh được xã Liên Hà thực hiện lồng ghép trong các cuộc họp dân, các phong trào thi đua. Hiện nay, đa số người qua đời ở Liên Hà được hỏa táng, riêng ở thôn Hà Lỗ đạt tỷ lệ 100%.
Theo kế hoạch, các ngành, địa phương đều coi việc nhân rộng mô hình cưới, tang văn minh, tiết kiệm là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào TDĐK XDĐSVH, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020. Những ví dụ cụ thể ở trên cho thấy, giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả rất cao nếu các ngành, địa phương có cách thức triển khai hợp lý, hợp lòng dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.