(HNM) - Thời gian qua, mạng lưới phân phối hiện đại đã góp phần đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc nhân rộng hệ thống phân phối, kinh doanh thực phẩm an toàn còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng và việc triển khai phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
An toàn, hiệu quả
Hiện nay, mạng lưới kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là hệ thống phân phối thực phẩm hiện đại có kiểm soát, đã được phát triển cả về số lượng và chất lượng; giúp người dân dễ dàng tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 254 trung tâm thương mại, 1.167 siêu thị, hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn giá… Cùng với đó, hàng trăm mô hình chợ an toàn thực phẩm được xây dựng thành công.
Còn theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có 29 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 159 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây...
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai các chính sách phát triển hệ thống hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm chuyên doanh, các cửa hàng tiện lợi… phân phối hàng hóa có xuất xứ rõ ràng…
Tại Hà Nội, ngành Công Thương thành phố đã tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối cung, cầu, đưa hàng hóa của các vùng sản xuất nông sản Hà Nội và các nguồn hàng chất lượng của các tỉnh, thành phố vào hệ thống phân phối trên địa bàn.
Trong khi đó, các hệ thống phân phối cũng chú trọng phát triển nguồn hàng bảo đảm an toàn thực phẩm. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho biết: “Ngoài việc trực tiếp tham quan, khảo sát cơ sở sản xuất, chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp đáp ứng đủ các điều kiện như giấy phép kinh doanh, chứng nhận, chứng chỉ chất lượng hàng hóa”, bà Nguyễn Thùy Dương nói.
Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn cũng thông tin, nhóm hàng thực phẩm tươi sống tại hệ thống 3.500 siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart/WinMart+ được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tỷ lệ 100% là hàng Việt Nam.
Các bên cùng vào cuộc
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa đồng đều và toàn diện. Đặc biệt, vốn để đầu tư hệ thống phân phối áp dụng quy trình quản lý văn minh, an toàn còn thiếu; các mối liên kết trong chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm an toàn còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh có chứng nhận, chứng chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế. Chưa kể, có tới 70% lượng hàng hóa được cung ứng qua chợ, chỉ có 25% hàng hóa qua siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại nên việc kiểm soát, tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất xuất xứ hàng hóa vẫn còn nhiều bất cập.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, cơ sở vật chất tại nhiều chợ không bảo đảm, nhiều tiểu thương chưa chấp hành quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được thực hiện thường xuyên…
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Masan MeatLife (Tập đoàn Masan) Nguyễn Quốc Trung cho hay, để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, doanh nghiệp phải bảo đảm chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn. Trong đó, việc phát triển hệ thống phân phối vô cùng quan trọng, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn.
Nói về giải pháp xây dựng mạng lưới phân phối thực phẩm an toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền quy định về an toàn thực phẩm, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện thủ tục pháp lý, cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Sở tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Về phía Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga cho rằng, để xây dựng mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng và triển khai đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Theo đó, 3 nội dung chính là phát triển hạ tầng thương mại, bảo đảm chất lượng thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp, bà Lê Việt Nga khuyến nghị chủ động đưa ra đề xuất, kiến nghị gắn với thực tiễn, làm cơ sở để các bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, từ đó phát triển mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn, bền vững và rộng khắp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.