Trong thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở các trường học, doanh nghiệp.
Ngoài ra, các cơ sở có bếp ăn tập thể được yêu cầu tăng cường kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ các hợp tác xã, doanh nghiệp, được cơ quan chức năng chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để đưa vào chế biến.
Sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường
Ðể có nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn, thời gian qua, nhiều bếp ăn tập thể đã liên kết, đặt hàng mua nguồn nông sản thực phẩm được chứng nhận an toàn từ các nông hộ, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền triển khai Đề án nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở các trường học, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện chỉ đạo Trạm Y tế của 16 xã, thị trấn tham mưu UBND xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn; kiểm tra an toàn thực phẩm, lấy mẫu xét nghiệm tại các trường học trong và ngoài công lập; phối hợp Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia lấy 448 mẫu tại 81 bếp ăn tập thể của 74 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Thanh Trì.
“Qua kiểm tra, các cơ sở có bếp ăn tập thể trên địa bàn đều chấp hành nghiêm túc quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện đúng, đủ, lưu mẫu theo quy định; có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm.
Hiện nay, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất được nhiều loại nông sản, thực phẩm an toàn, như: Rau, quả, các loại thịt và thủy sản để sẵn sàng cung ứng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu các bếp ăn tập thể. Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, toàn bộ sản phẩm rau, củ của hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm; 100% sản phẩm rau của hợp tác xã sau khi sơ chế, đóng gói được dán tem QR Code truy xuất nguồn gốc đến từng hộ sản xuất và từng thửa ruộng. Nhờ vậy, sản phẩm rau của hợp tác xã tiêu thụ mạnh tại các siêu thị Lotte, BigC, Go, Tops; 21 trường học, 3 bệnh viện, 4 công ty có bếp ăn tập thể và nhà máy chế biến thực phẩm tại Hà Nội.
Thực tế, bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp và trường học trên địa bàn thành phố đang cần lượng rất lớn nông sản, thực phẩm mỗi ngày. Ðây là kênh tiêu thụ tiềm năng đối với nông sản thực phẩm an toàn nên các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp cần tập trung sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin sản phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đầu vào có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
Hiện, khó khăn lớn nhất để kết nối nông sản an toàn vào các bếp ăn tập thể là do giá mỗi suất ăn còn thấp; nhiều nhà trường, phụ huynh học sinh chưa thống nhất nâng giá phù hợp đầu vào sản phẩm. Chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể cũng chưa mạnh dạn đầu tư cho nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe người lao động. Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm xã hội, thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó tạo chuyển biến mạnh trong sản xuất, tiêu thụ...
Để nâng cao ý thức trách nhiệm quản lý bếp ăn tập thể ở trường học, theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Trần Thị Phương Anh, hằng năm, Trung tâm Y tế quận phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai tập huấn, thường xuyên cập nhật quy định, kiến thức về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Mục đích của tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tăng cường phòng, chống ngộ độc thức ăn, hạn chế bệnh truyền qua thực phẩm... Cùng với đó, cơ quan chức năng của quận yêu cầu các bếp ăn tập thể trên địa bàn quận lưu trữ dữ liệu về bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể (nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, thực phẩm đã chế biến…).
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, các nhà quản lý bếp ăn tập thể cần xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về bảo đảm an toàn thực phẩm, lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm với đơn vị cung cấp. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào bếp ăn tập thể phải được thực hiện toàn diện, thường xuyên từ khâu nuôi trồng, đánh bắt đến vận chuyển, bảo quản và khi đưa vào chế biến trong bếp ăn tập thể.
Các bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp phải có tổ tự giám sát đối với nguyên liệu thực phẩm đầu vào, có hồ sơ giao nhận, biên bản ký giao nhận. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ gắn kết giữa người sản xuất, người tiêu thụ để phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; có giải pháp hỗ trợ, nâng cao giá trị mỗi suất ăn tại các bếp ăn tập thể cho công nhân và học sinh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.