Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà trẻ cho con công nhân lao động: Cần có quy định pháp lý cụ thể

Linh Nhi| 19/04/2014 06:49

(HNM) - Nước ta có một hệ thống pháp lý gồm Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp lý hiện hành, chưa có một ưu tiên cụ thể hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại các khu


Con không có trường, mẹ phải bỏ nghề

Chị Vũ Thị Lương, quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) công nhân Công ty SEI chuyên sản xuất linh kiện ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã có thâm niên 10 năm làm nghề. Tuy thu nhập không cao, nhưng ở quê không có việc làm, nên chị cũng bằng lòng vì công việc ở công ty ổn định và cũng được công đoàn quan tâm khá chu đáo. Chị có ý định gắn bó lâu dài với nghề. Nhưng nay, mọi việc đã khác, chị đành phải bỏ nghề, chuyển về quê, bởi sau khi lấy chồng, sinh con, chị phải ở nhà chăm sóc con, khi con được gần hai tuổi đem gửi ở nhóm trẻ gần nơi trọ, nhưng chị xót xa vì con từ ngày đi học hay ốm, trong khi đó đồng lương công nhân vốn eo hẹp, nay lại phát sinh thêm khoản đóng tiền nhà trẻ cho con, khiến vợ chồng chị không kham nổi.

Thiếu nhà trẻ tại khu công nghiệp khiến công nhân chưa yên tâm làm việc.Ảnh: Phương An



Hoàn cảnh chị Lương chỉ là một trong số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nữ CNLĐ, sau khi lập gia đình, sinh con phải bỏ nghề về quê vì không có chỗ gửi con và cũng không đủ tiền cho con đi học những nhóm trẻ tư nhân, trong khi công tác chăm sóc không bảo đảm.

Nói về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng, nước ta có một hệ thống pháp lý gồm Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp lý hiện hành, chưa có một ưu tiên cụ thể hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con CNLĐ làm việc trong các KCN. Tổng Liên đoàn đã nỗ lực để bảo vệ quyền lợi CNLĐ nữ trong việc chăm sóc con nhỏ, nhưng hiệu quả đạt được cũng chỉ như muối bỏ bể, về lâu dài cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng khẳng định, Tổng Liên đoàn sẽ đề nghị Nhà nước ban hành chủ trương thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ để huy động nguồn lực xây dựng các trường mầm non tại KCN.

Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 8 KCN, với hơn 138 nghìn CNLĐ, trong đó chiếm trên 60% là nữ, hầu hết chị em ở độ tuổi sinh đẻ và hàng nghìn người đang có con nhỏ, nhưng thành phố chưa có bất cứ một nhà trẻ nào dành riêng, hoặc ưu tiên cho con CNLĐ thuộc đối tượng này. Hầu hết đều phải gửi con ở nhóm trẻ tư nhân, chỉ một số rất ít được may mắn gửi con vào nhà trẻ của xã, nơi công nhân đó trọ hoặc làm việc. Đây là vấn đề nhức nhối, ở tầm vĩ mô còn tác động đến sự biến động về lực lượng lao động, rất nhiều nữ CNLĐ có tay nghề cao cũng đành bỏ nghề về quê, gây khó khăn cho cả DN…

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng gần 2 triệu CNLĐ làm việc trong các KCN&KCX, nữ CNLĐ chiếm 70%. Trong đó, 72% nữ CNLĐ đã kết hôn và 96,9% trong số đó có từ 1 đến 2 con, nhưng chỉ có 112 trường mầm non tư thục tại các KCN, khiến cho 75,4% CNLĐ không có khả năng gửi con vào nhà trẻ công lập. Chỉ có 7,2% nữ CNLĐ được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giáo dục, chăm sóc con, dẫn đến hệ quả, hầu hết con của nữ CNLĐ bị thiếu dinh dưỡng và thể chất, không được khám sức khỏe định kỳ và không được tiêm chủng đầy đủ.

Cần có quy định pháp lý cụ thể

Thực tế, hiện tượng bạo hành trẻ em lứa tuổi mầm non xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng tại các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân cũng khiến cho nữ CNLĐ lo lắng, bởi hiện hầu hết nữ công nhân phải gửi con vào những nhóm giữ trẻ tự phát. Để giải quyết thực trạng hiện nay, bà Phạm Thị Thắm, Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, việc chăm sóc con của CNLĐ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ở KCN được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, khó thực hiện được trên thực tế. Do đó, Nhà nước cần có chính sách yêu cầu DN cùng địa phương chăm lo, xây dựng trường học cho con CNLĐ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo; đồng thời, cần có cơ chế pháp lý về việc khi quy hoạch xây dựng KCN, hay khu nhà ở cho công nhân, dành quỹ đất cho nhà trẻ, mẫu giáo. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Lương Thị Minh cho rằng, nhà trẻ phải đi đôi với nhà ở, bởi thực tế đã có DN có nhà trẻ nhưng CNLĐ lại không thể mang con đến gửi vì nhà xa và làm ca. Phó ban Nữ công LĐLĐ Hải Phòng Song Hải bức xúc: Các địa phương chỉ lo "trải thảm đỏ" cho nhà đầu tư mà quên nghĩ đến việc phải quy hoạch nhà trẻ, mẫu giáo sao cho tương quan với số lượng các gia đình CNLĐ đến làm việc trong các KCN. Để giải quyết thực trạng này, cần có quy định pháp lý cụ thể về cơ chế thành lập các nhà trẻ, mẫu giáo tại các địa bàn khu nhà ở công nhân; xây dựng, mở rộng nhà trẻ, nhóm trẻ ở các phường, xã có đông công nhân ở trọ; thành lập nhà trẻ mẫu giáo gần các trục đường dẫn đến KCN, khu ở của công nhân.

Thiết nghĩ, vấn đề chăm sóc trẻ em đã là quan trọng, song đối tượng là con nữ CNLĐ càng cần được quan tâm hơn, bởi đây là lực lượng có sứ mệnh đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Do đó, công đoàn cần sớm có nghiên cứu độc lập, để có số liệu chính thống làm cơ sở đánh giá khách quan, chân thực của thực trạng này, trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ về những giải pháp về nhà trẻ cho con nữ CNLĐ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà trẻ cho con công nhân lao động: Cần có quy định pháp lý cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.