(HNM) - Trong tháng 11, nhiều công ty, tập đoàn lớn chuyên sản xuất xơ, sợi, dệt, nhuộm từ các quốc gia có ngành dệt may (DM) phát triển đã đặt vấn đề lập liên doanh sản xuất nguyên liệu với Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) và một số doanh nghiệp (DN). Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tìm đến lĩnh vực nguyên liệu, nhằm hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nếu dung hòa được các lợi ích trong đàm phán, TPP sẽ mở ra cơ hội lớn đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu (XK) của nước ta. Với các phân khúc sợi, dệt, nhuộm, điều này không chỉ thúc đẩy tăng nhanh kim ngạch XK, mà còn tạo động lực lớn cho đầu tư phát triển.
|
Ngành dệt may đang nhận được nhiều mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thanh Hải |
Tại những buổi tiếp xúc với Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, một số DN Trung Quốc cho biết, họ đang tính đến khả năng mở rộng hoặc đầu tư mới vào ngành kéo sợi. Công ty CP Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise đã được thành lập vào ngày 5-11 vừa qua. Đây là liên doanh giữa Công ty TNHH DM Sunrise (Trung Quốc) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thiên Nam có trụ sở tại Bình Dương. Hai bên sẽ đầu tư dự án sản xuất vải dệt thoi tại khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định), công suất 1 triệu mét/tháng và vải dệt kim công suất 300 tấn/tháng với tổng vốn 24 triệu USD. Texhong (một trong 10 DN có sức cạnh tranh lớn ngành dệt sợi Trung Quốc) đã làm việc với Vinatex về xây dựng nhà máy thứ ba tại Việt Nam. Texhong đã đầu tư một số dự án tại Việt Nam với quy mô 400.000 cọc sợi tại Đồng Nai và đang đầu tư dự án tại Quảng Ninh. Công ty Woolmark thuộc sở hữu của Tổ chức Đổi mới len tại Áo - tổ chức DM len hàng đầu thế giới đã tìm kiếm đối tác thực hiện dự án "Việt Nam trên đường hội nhập", phát triển hàng len Merino với mục tiêu đưa ngành len của nước ta hội nhập và có vị trí tại thị trường thế giới qua việc thành lập chuỗi sản xuất cung ứng len từ khâu kéo sợi đến hàng may mặc thời trang. Lenzing-Tập đoàn chuyên sản xuất xơ sợi nhân tạo cellulose cao cấp hàng đầu thế giới đã làm việc với Vinatex về kế hoạch đầu tư hệ thống nhà máy tích hợp sản xuất bột gỗ và xơ viscose…
Một trong những lý do các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội liên kết đầu tư nguyên phụ liệu trong thời điểm này là Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán TPP, FTA. Nếu đàm phán thành công, TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2015, khi đó, XK DM sử dụng nguyên phụ liệu trong nước sẽ được hưởng thuế suất 0%.
Theo Tập đoàn DM Việt Nam, Hội nghị thường niên toàn cầu về sợi và dệt vải (ITMF) năm 2012 được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội thuận lợi để "gọi" nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sợi, dệt, nhuộm hoàn tất vốn là điểm yếu của ngành. Dệt may Việt Nam có nhiều ưu thế trong thu hút FDI như dân số trẻ với 62 triệu người trong độ tuổi lao động, có thể đảm nhiệm những công việc đòi hỏi trình độ, kỹ thuật. Chi phí lao động ở mức trung bình, khoảng 150-200 USD/tháng. Do dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao nên thị trường bán lẻ của Việt Nam rất hấp dẫn. Người tiêu dùng chi tiêu cho hàng thời trang chỉ xếp sau lương thực và thực phẩm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nổi lên là trung tâm XK thời trang...
Trong quy hoạch phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành DM đã xác định rõ: Mục tiêu tăng trưởng hằng năm là 12-14%; tăng trưởng XK là 15%, trong đó tập trung phát triển ngành may mặc, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chú trọng thiết kế thời trang. Đặc biệt, chú trọng "gọi" đầu tư vào khâu nguyên phụ liệu, phụ tùng thay thế, sản xuất chuyển giao công nghệ và dệt, nhuộm hoàn tất… |