Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy hiểm tính mạng vì chủ quan với chứng đau đầu

Thu Hoài| 12/04/2023 16:51

(HNMO) – Ngày 12-4, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thông tin về ca cấp cứu kịp thời nữ bệnh nhân bị túi phình mạch não khổng lồ, sau 2 năm đau đầu liên tục, nhưng không đi khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm.

Mạch máu não bệnh nhân G bị phình to, có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

Nữ bệnh nhân N.T.G, 54 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức, nhập viện trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi, nói khó, yếu liệt nửa người bên trái. Qua khai thác thông tin, các bác sĩ được biết bệnh nhân bị chứng đau đầu hơn 2 năm nay, nhưng chủ quan tự dùng thuốc điều trị, không khám chuyên khoa.

Các bác sĩ triển khai khám và hội chẩn về ca bệnh. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Định Chương (Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết, nhóm chuyên môn nhận định bệnh nhân bị túi phình mạch não có kích thước lớn, nguy cơ vỡ túi phình cao, nguy hiểm đến tính mạng. 

“Phình mạch máu não là hiện tượng thành mạch máu giãn khu trú tạo thành hình túi hoặc hình thoi. Do thành mạch máu chịu áp lực, túi phình có thể gia tăng kích thước theo thời gian, gây chèn ép các tổ chức quan trọng xung quanh túi phình. Biến chứng nguy hiểm nhất của túi phình mạch máu não là có thể vỡ và gây ra xuất huyết dưới nhện, với tỉ lệ tử vong cao, từ 25-50%, có thể lên đến trên 80% nếu túi phình tái vỡ lần hai”, bác sĩ Phạm Định Chương thông tin. 

Đặt stent sẽ giúp máu không chảy vào túi phình mà lưu thông dễ hơn qua đoạn mạch não, giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe.

Với trường hợp nguy cấp như bệnh nhân G, phương án điều trị được ưu tiên hàng đầu là loại bỏ túi phình, nhưng không thể theo cách thông thường do túi phình quá lớn (nút túi phình mạch não bằng vòng xoắn kim loại) hay phẫu thuật. Các bác sĩ đã bàn thảo, thống nhất và thông tin đến gia đình về phương pháp mới dùng stent thay đổi dòng chảy của máu vào túi phình.

Đây là một phương pháp điều trị mới. Stent sẽ hướng dòng chảy theo chiều mạch máu và không đổ vào túi phình nữa, về lâu dài túi phình sẽ huyết khối, tổ chức hoá và teo nhỏ lại, cổ túi phình sẽ liền với mạch máu (quá trình này gọi là nội mạc hoá), từ đó sẽ loại bỏ hoàn toàn túi phình. 

Được gia đình đồng ý, các bác sĩ đã triển khai can thiệp. Chỉ 1 ngày sau đó, nữ bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, hết đau đầu, có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, có thể tự mình thực hiện các chăm sóc cá nhân, không phụ thuộc vào người thân như lúc trước và được xuất viện ngay sau đó.

Nữ bệnh nhân hồi phục nhanh chóng sau ca can thiệp kịp thời.

Điều đáng nói về ca bệnh này là bệnh nhân đã để chứng đau đầu "hành hạ” quá lâu mà không đi khám. Nếu để túi phình vỡ, tính mạng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Theo bác sĩ Chương, tỷ lệ bắt gặp túi phình mạch não vào khoảng 4% trong dân số, với độ tuổi trung bình là 50, tỷ lệ như nhau ở cả nam và nữ. Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm là rất quan trọng, để từ đó phát hiện và có chiến lược theo dõi định kỳ cũng như kế hoạch điều trị loại bỏ túi phình khi có chỉ định của bác sĩ.

“Nếu người dân bị đau đầu dai dẳng, yếu liệt nửa người, nói đớ, có tiền sử bệnh thận đa nang, hút thuốc lá nhiều, tiền sử có người thân trong gia đình có túi phình mạch máu não…, cần khẩn trương đi khám chuyên khoa để tầm soát túi phình mạch não sớm, phòng ngừa trường hợp vỡ túi phình gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Chương khuyến cáo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm tính mạng vì chủ quan với chứng đau đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.