(HNM) - Nắng nóng kéo dài tại miền Nam đã khiến cho số lượng người nhập viện gia tăng. Trong đó, nhóm bệnh viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ có những biến chứng nguy hiểm; bệnh lý đột quỵ ở người già đang gia tăng phức tạp.
Bùng phát bệnh trên trẻ em
Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh đang tiếp nhận điều trị cho 12 trẻ bị viêm não, 30 trẻ bị viêm màng não. Đáng lo ngại hơn, 100% trẻ nhập viện vì viêm não đều là ca nặng phải nằm viện điều trị tối thiểu 1 tháng, trong đó 30-40% em đang phải thở máy. Riêng 15 trẻ mắc bệnh viêm màng não, hiện đang phải điều trị lâu dài.
Bệnh nhân nhập viện đông vì thời tiết nắng nóng. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, có 3 nhóm bệnh tăng trong mùa nắng nóng gồm bệnh lý về da, bệnh sốt do virus và nhóm bệnh có vắc xin tiêm phòng. Trong đó, nhóm bệnh nguy hiểm nhất là viêm não, viêm màng não đang có xu hướng tăng 10-14% so với năm trước. Mùa nắng do các virus bất thường dễ sinh bệnh viêm não, viêm màng não; trong viêm não có viêm não Nhật Bản, nếu không điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong và hôn mê sâu, để lại di chứng sống thực vật suốt đời.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo, phụ huynh thấy con có triệu chứng lừ đừ, biếng ăn, biếng chơi và co giật thì phải lập tức đưa đến bệnh viện. Vì bệnh viêm màng não chỉ được chuẩn đoán chính xác thông qua các xét nghiệm và theo dõi tại bệnh viện, phụ huynh đưa con đến viện càng sớm thì bệnh lý dễ chữa trị thành công. Trẻ đến bệnh viện chậm một ngày cũng có thể bị tử vong hoặc mang di chứng như hôn mê sâu. Hiện nay, viêm não có thể phòng ngừa bằng việc tiêm phòng vắc xin 5 trong 1, do đó yêu cầu phụ huynh cần phải đưa con đi tiêm phòng đúng theo quy trình của Bộ Y tế, tránh tình trạng đợi tiêm vắc xin dịch vụ, có thể khiến trẻ nhiễm bệnh.
Thời điểm nắng nóng cũng là lúc nhóm bệnh viêm đường ruột, tiêu chảy bùng phát ở trẻ nhỏ. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 mỗi ngày tiếp nhận bình quân khoảng 80 em nhập viện với triệu chứng đi ngoài, tiêu chảy. Ngoài ra, do thời tiết nóng kéo dài, nhiều phụ huynh cho trẻ nằm điều hòa thường xuyên, dẫn đến tình trạng mất nước và viêm đường hô hấp. Theo thống kê của Bệnh viện Quốc tế Thành Đô (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận 10 trẻ nhập viện vì viêm đường hô hấp.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quốc tế City cho biết: "Tình trạng trẻ sử dụng điều hòa quá nhiều dẫn đến mất nước, cơ thể trẻ sẽ bị rối loạn nhiều chức năng sinh lý như tiêu hóa, hấp thu, bài tiết. Với trẻ em, tình trạng mất nước làm cho thiếu men tiêu hóa nên trẻ sẽ khó tiêu và biếng ăn. Điều này dẫn đến bệnh lý đường ruột như khó tiêu, tiêu chảy".
Người già dễ bị đột quỵ
Không chỉ trẻ nhỏ phải nhập viện, thời tiết nắng nóng kéo dài còn gây bệnh cho cả người già. Thời gian qua, nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ xảy ra trong cao điểm mùa nắng nóng. Bác sĩ Lê Thanh Chiến - Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết: Hiện tại, Bệnh viện chưa ghi nhận ca cấp cứu đột quỵ do tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng nhiều giờ. Tuy nhiên, bệnh lý đột quỵ phải cấp cứu tại bệnh viện thời điểm này gia tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 5 này, bệnh viện đang chữa trị cho hơn 100 bệnh nhân bị đột quỵ phải đưa vào cấp cứu. Theo bác sĩ Lê Thanh Chiến, nguyên nhân dẫn đến đột quỵ thường do mạch máu bị nghẽn, khiến máu không lưu thông để nuôi não, hoặc mạch máu bị vỡ, dẫn tới xuất huyết não. Nắng nóng là tác nhân gây mất nước, giảm khối lượng máu từ đó làm hụt lượng máu nuôi não có thể dẫn đến đột quỵ. Nhẹ hơn đột quỵ, tiếp xúc với nắng nóng liên tục trong nhiều giờ bệnh nhân có thể bị say nắng. Chỉ trong vòng 1 tuần qua, Bệnh viện Quốc tế City cứu chữa kịp thời cho hơn 10 bệnh nhân có triệu chứng say nắng gồm cả trẻ nhỏ và người lớn. Trong đó có nhiều trẻ do được nghỉ hè đã vui chơi ngoài nắng nhiều giờ dẫn đến sốt cao, mệt mỏi và lả người.
Theo dự báo Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Bộ, các tỉnh phía Nam tiếp tục đón các đợt cao điểm nắng nóng đến cuối tháng 6-2015. Trước tình hình này, bác sĩ Lê Thanh Chiến khuyên người dân không nên chủ quan, vì nắng nóng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây là ngưỡng nhiệt độ thuận lợi nhất cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi, phát triển và tấn công gây bệnh cho con người. Để phòng bệnh do mất nước mùa nóng, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa khuyên mọi người nên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể và ăn các thức ăn có tăng tỷ lệ bột đường bằng cách đơn giản như uống nước đường, ăn nhiều trái cây cũng bổ sung lượng đường cho cơ thể hấp thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.