Y tế

Chủ động phòng dịch bệnh bùng phát

Thu Trang 25/04/2024 - 06:14

Thời điểm này, nhiều loại bệnh truyền nhiễm đã gia tăng số mắc gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia y tế lo ngại, theo quy luật, hè năm nay sẽ rơi vào chu kỳ của nhiều dịch bệnh, như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, ho gà…

Chính vì vậy, nếu không đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch ngay từ bây giờ thì khi bước vào thời kỳ cao điểm sẽ càng khó đối phó hơn.

yte-1.jpg
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa.

Số ca mắc tăng từ 2 đến 7 lần

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ đầu năm 2024 cho đến ngày 16-4, cả nước ghi nhận 163 trường hợp mắc sởi và phát ban nghi sởi (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Riêng tại Hà Nội, sau hơn 1 năm không ghi nhận ca bệnh, mới đây, trên địa bàn Thủ đô đã có ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024. Các chuyên gia lo ngại, theo chu kỳ 4-5 năm/lần thì năm 2024, dịch sởi có nguy cơ bùng phát.

Hai chu kỳ dịch bệnh sởi gần đây nhất là vào năm 2014, năm 2019 đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao. Riêng đợt dịch trong năm 2014 đã có hơn 110 trẻ tử vong do bệnh sởi. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, bệnh sởi gây ra bởi vi rút sởi thuộc họ Paramyxoviridae lây lan nhanh qua đường hô hấp. Đây cũng là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh. Có đến 90-100% người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ nhiễm bệnh. Một người mắc bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh.

Cùng với sởi, từ đầu năm đến ngày 16-4, cả nước ghi nhận 118 trường hợp mắc ho gà (tăng 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2023). Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 19-4, thành phố đã có 46 trường hợp mắc ho gà tại 20 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh. Bệnh nhân là trẻ dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%) và chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 70%). Trẻ trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng thiếu vắc xin thời gian qua nên tỷ lệ tiêm ở trẻ không đạt như mong muốn. Chính vì miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên làm giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ.

Cũng theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến ngày 16-4, cả nước ghi nhận 12.152 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 778 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023) và 18 ổ dịch. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, theo quy luật hằng năm, tháng 4, tháng 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng. Do đó, thời gian tới, số ca mắc và số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết hằng năm cũng sẽ gia tăng khi bắt đầu vào mùa hè.

yte-2.jpg
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn phát động vệ sinh phòng bệnh tại Trường Tiểu học Phú Minh.

Ứng phó theo từng tình huống

Để chủ động các biện pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh trong mùa hè năm nay, Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh từ tháng 4 đến tháng 5-2024 tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Định, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Phú Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Kon Tum.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, dịch bệnh năm 2024 sẽ phức tạp hơn so với năm 2023 nếu không chủ động các biện pháp phòng, chống. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần chủ động trong cả nguồn lực, chủ động trong giám sát, dự phòng để dự báo sớm, nhận định đúng tình hình…

Đối với công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, Cục đã chỉ đạo thực hiện phân tuyến điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện tuyến điều trị mở rộng và tại chỗ, bệnh viện tuyến điều trị chủ yếu và bệnh viện điều trị tuyến cuối với nhiệm vụ cụ thể. Mục tiêu đặt ra là sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, giảm, hạn chế tỷ lệ tử vong và duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng.

Ông Nguyễn Trọng Khoa cũng lưu ý, việc phân tuyến điều trị còn phụ thuộc theo từng loại bệnh, từng tình huống và theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Chẳng hạn, với những loại bệnh lây theo đường hô hấp như: Sởi, cúm, ho gà…, chủ yếu cách ly điều trị tại chỗ, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới từ xa hoặc tại chỗ. Còn với những bệnh có khả năng lây lan hạn chế hơn như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng…, ngoài điều trị tại chỗ có thể chuyển tuyến khi vượt quá khả năng, năng lực của đơn vị… Cùng với đó, các bệnh viện chuẩn bị các điều kiện về hậu cần theo tình hình dịch bệnh như: Trang thiết bị hồi sức cấp cứu, thuốc, dịch truyền, hệ thống khí ô xy…

Còn tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, các đơn vị cần bảo đảm sẵn sàng thiết bị, vật tư, hóa chất, đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Trong quý I-2024, thành phố đã triển khai tiêm bù cho các đối tượng chưa tiêm đủ vắc xin trong chương trình mở rộng năm 2023. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã cấp cho Hà Nội cơ bản đủ 9/10 loại vắc xin tiêm chủng mở rộng, trừ vắc xin bại liệt đường tiêm IPV. Do đó, các phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức:
Tập trung tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ

ykien-hoang-minh-duc.jpg

Thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn. Vì vậy, đối với các bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, các địa phương cần tăng cường vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loại bỏ hoặc lật úp những vật dụng chứa nước; vệ sinh, khử khuẩn lớp học, nhất là đồ chơi và bề mặt tiếp xúc, hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng...

Đối với các bệnh có vắc xin dự phòng, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cần xác định những nơi có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác, trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn:
Giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời

ykien-khong-minh-tuan.jpg

Để phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong mùa hè sắp tới, các quận, huyện, thị xã và cơ quan chuyên môn cần tăng cường giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, giảm thiểu ổ dịch lan rộng, kéo dài. Đồng thời, các địa phương giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch.

Cùng với đó, CDC Hà Nội tiếp tục tập huấn, hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi cho cán bộ y tế các địa phương; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Trần Đắc Phu:
Cần nâng cao ý thức phòng bệnh

ykien-tran-dac-phu.jpg

Nước ta luôn có nhiều bệnh truyền nhiễm lưu hành. Nếu chúng ta khống chế và kiểm soát được từng bệnh thì cũng không vấn đề gì. Đáng ngại nhất là chỉ để ý đến bệnh dịch này mà không phòng, chống bệnh dịch khác, khi dịch đã lan rộng thì khó mà phòng, chống. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong phòng bệnh.

Cụ thể là: Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Đồng thời, người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; ăn chín, uống sôi; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở….

Xuân Lộc ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng dịch bệnh bùng phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.