Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ chệch hướng

Phương Quỳnh| 09/12/2014 06:55

(HNM) - Theo kế hoạch, gói cứu trợ tài chính của Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp có tổng giá trị 240 tỷ euro (kể từ năm 2010) sẽ kết thúc vào ngày 31-12 để Athens trở lại thị trường tài chính từ đầu năm 2015.



Athens dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này năm 2015 đạt 2,9%, thâm hụt ngân sách ở mức 338 triệu euro, tương đương 0,2% GDP, giảm từ 1,3% GDP của năm nay. Tuy nhiên, theo bộ ba chủ nợ của Hy Lạp, những dự báo nêu trên "quá lạc quan" đối với một nền kinh tế đã suy giảm tới 25% kể từ năm 2008. Các tổ chức này kêu gọi Athens thận trọng hơn khi đưa ra các chính sách kinh tế. Theo nhận định của các chủ nợ, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp sẽ tiến gần hơn tới mức 3% GDP. Các nhà tài trợ nước ngoài cũng cảnh báo những rủi ro xung quanh đề xuất cắt giảm thuế của Athens khi Hy Lạp cần thêm 3 tỷ euro (3,69 tỷ USD) nguồn thu để đáp ứng các mục tiêu tài chính. Tuy nhiên, Thủ tướng Antonis Samaras đã từ chối thực hiện việc tăng thuế và cắt giảm lương trong năm 2015 theo khuyến nghị của các định chế tài chính để lấp những lỗ hổng trong cán cân thu chi; đồng thời cho rằng Athens sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu về ngân sách năm 2015 mà không cần thực hiện thêm các chính sách khắc khổ như yêu cầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa Hy Lạp với bộ ba chủ nợ. Theo các nhà phân tích, sau 6 năm ngụp lặn trong suy thoái, rồi tiếp tục khổ sở bởi một loạt biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, Hy Lạp đã "ngoi lên mặt nước" từ đầu năm nay và tăng trưởng tốt hơn so với dự đoán (1,7%) trong quý III, chủ yếu nhờ ngành du lịch. Nền kinh tế Hy Lạp được dự báo sẽ tăng 0,6% trong năm 2014 và 2,9% năm 2015. Với tình hình tài chính công được cải thiện và kinh tế tăng trưởng trở lại, chính phủ liên minh hai đảng của Hy Lạp - gồm đảng Dân chủ mới và đảng Pasok đã đặt mục tiêu dứt khỏi chương trình cứu trợ tài chính, hoặc giảm mức độ kiểm soát của các định chế quốc tế vào cuối năm nay - sớm hơn 18 tháng so với dự định ban đầu. Trên thực tế, nếu thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EU, ECB và IMF năm 2015, ngân sách của Hy Lạp sẽ được củng cố chắc chắn hơn. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền đang phải đối mặt với thách thức lớn vào đầu năm tới khi diễn ra bầu cử Quốc hội. Trong bối cảnh uy tín của đảng Dân chủ mới và đảng Pasok liên tục bị tụt dốc vì người dân đã quá mệt mỏi với tình trạng "thắt lưng buộc bụng", nếu tiếp tục duy trì chính sách "khắc khổ", cơ hội dành thắng lợi cho liên minh cầm quyền sẽ chỉ là khe cửa hẹp.

Với bất đồng mới phát sinh này, trong cuộc họp ngày 8-12, thay vì việc đưa ra khoản tài chính cuối cùng trị giá 1,8 tỷ euro trong gói cứu trợ cho Hy Lạp, bộ trưởng tài chính các nước EU sẽ quyết định lùi thời hạn triển khai gói cứu trợ thêm ít nhất 6 tháng nữa để đánh giá một cách chi tiết những tác động của bản ngân sách mới lên nền kinh tế nước này. Điều đáng lo ngại là nếu liên minh cầm quyền không giành được vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử sắp tới, thắng lợi rơi vào tay các đảng phái đối lập, đặc biệt là đảng Syriza - vốn chủ trương phản đối sự cầu viện tài chính quốc tế thì lộ trình chương trình cứu trợ các chủ nợ đã thống nhất với Hy Lạp có nguy cơ bị chệch hướng.

Kể từ khi rơi vào vòng "túng quẫn", quốc gia thanh bình bên bờ Địa Trung Hải đã phải đối mặt với những bất ổn xã hội chưa từng có xuất phát từ kinh tế khó khăn. Nhiều làn sóng biểu tình bạo lực đã diễn ra mà gần đây nhất là đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát nhân kỷ niệm 6 năm ngày mất của Alexandros Grigoropoulos - một thiếu niên đã bị bắn chết trong một cuộc xuống đường phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ. Điều này cho thấy những di chứng xã hội từ khủng hoảng kinh tế ở xứ sở Các vị thần vẫn còn nặng nề và bất cứ lúc nào cũng có thể bùng cháy dữ dội. Điều này buộc chính phủ ở Athens phải sớm tìm ra được con đường thoát khỏi cơn bão nợ vây quanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ chệch hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.