Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn lực quan trọng

Gia Khánh| 10/01/2022 06:33

(HNM) - Phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với vốn tự nhiên, vốn con người, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn thể chế thì vốn xã hội, vốn văn hóa là những nguồn lực rất quan trọng đối với doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng thương mại giữa các nước, thì nền tảng văn hóa kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chống chọi được với sức ép từ bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài.

Văn hóa doanh nghiệp đã được đề cập từ lâu, nhưng được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về văn hóa doanh nghiệp, nhưng tựu chung có thể hiểu, văn hóa doanh nghiệp là những giá trị, niềm tin, quy tắc, chuẩn mực, hành vi được hình thành trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp còn thể hiện phong cách làm việc và bản sắc kinh doanh của một doanh nghiệp. Như vậy, văn hóa kinh doanh là một phần của văn hóa doanh nghiệp, là các giá trị vật chất và tinh thần do chủ thể kinh doanh tạo nên qua ứng xử trong môi trường kinh doanh, vì thế nó là nội tại của doanh nghiệp và thị trường. Cũng như văn hóa nói chung, văn hóa kinh doanh xuất phát từ nền tảng triết lý kinh doanh của doanh nghiệp, gắn với văn hóa của doanh nhân; đồng thời có tính kế thừa nền tảng văn hóa của dân tộc, quốc gia. Cụ thể, đó là những giá trị truyền thống của dân tộc, như đạo đức trong kinh doanh, đề cao trung thực, chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, là tinh thần tự lực, tự cường, là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội... Văn hóa được coi là nguồn lực quan trọng với doanh nghiệp vì vừa là động lực giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vừa là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn, doanh thu giảm, nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm đứt gãy, song không ít doanh nghiệp đã nỗ lực, chủ động chuyển hướng kinh doanh, duy trì sản xuất, bảo vệ người lao động. Không ít doanh nghiệp coi lao động là tài sản của doanh nghiệp để cùng chia sẻ vượt qua khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp cũng là lực lượng chung tay, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19 thông qua đóng góp tài chính, phương tiện. Chính cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần sớm đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, giữ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước trong năm 2021. Văn hóa doanh nghiệp thể hiện rõ nét qua tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội, thể hiện rõ qua phẩm chất cống hiến cho Tổ quốc, đồng bào. Nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững chính là đất nước giàu mạnh, xã hội phát triển.

Tại hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn... Tổng Bí thư cũng yêu cầu khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn năm 2045 mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp tại Đại hội toàn quốc của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, với cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh phải xứng tầm phát triển, truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước. Văn hóa kinh doanh gắn liền với xây dựng đất nước ta văn minh, phồn vinh, hiện đại, hạnh phúc. “Việc lựa chọn xây dựng và xác lập văn hóa kinh doanh vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là đột phá hoàn toàn đúng tầm, đúng đắn trong điều kiện hiện nay. Chúng ta phải triển khai nhiệm vụ này thật tốt, góp phần tạo ra được một đội ngũ doanh nhân vững mạnh. Văn hóa kinh doanh tạo ra sức mạnh mềm của doanh nghiệp và cũng góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Như vậy, xây dựng văn hóa kinh doanh phải gắn với tầm nhìn hội nhập và khát vọng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc được hiện thực thông qua cộng đồng doanh nghiệp phát triển hùng mạnh, sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thế giới, trong đó văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.