Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết vùng, xây dựng văn hóa kinh doanh để phát triển

Hoàng Quyên (ghi)| 21/03/2023 12:58

(HNMO) - Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” do thành phố Hà Nội tổ chức sáng 21-3, xung quanh chủ đề thảo luận buổi sáng về luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, nhận diện các nguồn lực văn hóa, các nhà khoa học cũng đưa ra những ý kiến về việc liên kết vùng, xây dựng văn hóa kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô.

Quang cảnh hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Giáo sư Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Xây dựng nét đặc trưng văn hóa trong kinh doanh

Với tư cách là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh rất cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, kết hợp yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố hiện đại quốc tế, để vừa phát triển Thủ đô, vừa làm động lực phát triển của cả nước và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Hà Nội cần phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp, có ý nghĩa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển chung. Điều này phải thể hiện qua những hành vi cụ thể của con người, phản ánh cách thức ứng xử của con người trong xã hội, mà một trong những nội dung quan trọng là văn hóa kinh doanh. Hà Nội nên và cần là nơi đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh mẫu mực của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với nội hàm cụ thể là “con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý”.

Tôi cho rằng, Hà Nội nên phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng. Bất kể những cá nhân kinh doanh, những tập đoàn, công ty, doanh nghiệp.... đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều tham gia hưởng ứng phong trào này.

Để làm tốt việc này, Hà Nội nên lập một Quỹ về xây dựng văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng. Nên đặt ra một giải thưởng danh giá về “Kinh doanh văn minh”. Hằng năm, nên tổ chức trao giải kinh doanh văn minh cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): 
Liên kết văn hóa vùng Thủ đô

Cũng giống như các thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội trải qua nhiều lần nâng cấp, cải tạo và mở rộng. Sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội đã trở thành thành phố lớn thứ 17 trên thế giới, lớn nhất cả nước về diện tích và thứ hai về dân số. Đặc biệt, với Quyết định số 768/QĐ-TTg, ngày 6-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi vùng Thủ đô đã được mở rộng từ 7 lên 10 tỉnh.

Vùng Thủ đô bao gồm toàn bộ ranh giới thành phố Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Đây là vùng kinh tế tổng hợp, là vùng giao thoa giữa các vùng quan trọng (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc).

Tôi cho rằng, Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị trung tâm, đô thị động lực của cả vùng có vai trò kết nối, thúc đẩy sự phát triển chung của vùng Thủ đô và của cả nước. Vì thế, việc nhận thức đúng đắn về các nguồn lực văn hóa và tăng cường tính kết nối, liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành, địa phương trong vùng Thủ đô trong phát huy các nguồn lực văn hóa và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô hiện nay có ý nghĩa cấp thiết, quan trọng trong phát triển Thủ đô bền vững.

Nguồn lực văn hóa với tư cách là các sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần đặc sắc của Hà Nội là tài sản của Hà Nội, là tiền đề, là động lực để Hà Nội phát triển kinh tế. Trong kho tàng văn hóa phi vật thể Hà Nội, các giá trị về văn hóa ẩm thực cũng chiếm một vị trí đáng kể. Chính những giá trị này đã góp phần sâu sắc để định hình nên bản sắc văn hóa Hà Nội, phong vị Hà Nội.

Những năm gần đây, Hà Nội triển khai rất nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nhằm phát huy những giá trị nổi bật các nguồn lực văn hóa, phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tế. Điển hình như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; Hợp tác xã Vụn Art… Những không gian sáng tạo này cần phải được phát huy mạnh mẽ, có tính kết nối với những địa phương khác để tạo nên một sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn cho Hà Nội và Vùng Thủ đô.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Nhận diện rõ những di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô

Giá trị văn hóa và nguồn lực văn hóa là vấn đề rất rộng, ở đây tôi chỉ tiếp cận vấn đề di tích, di sản vật thể của Thủ đô Hà Nội. Với nguồn di tích, di sản lớn nhất cả nước, Hà Nội nên coi đây là nguồn tài nguyên lớn để giữ gìn, phát triển văn hóa. Vì thế, trong việc quy hoạch, định hướng, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội cần phải nhận diện, bảo tồn các di sản văn hóa một cách cụ thể.

Hiện nay, Hà Nội đã làm tốt công tác nhận diện di sản nhưng cũng cần có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, trong việc nhận diện văn hóa đặc trưng của Hà Nội, chúng ta cần phải hiểu rằng, Hà Nội không chỉ có di sản độc lập mà còn có các khu vực đặc trưng như: Khu phố cổ, khu phố cũ, khu làng nghề… Những khu vực đặc trưng này nên phát triển ra sao, bảo tồn ở góc độ nào để vẫn giữ được nét đặc trưng, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô là vấn đề cần quan tâm.

Theo tôi, trong việc xây dựng Luật Thủ đô tới đây, các di sản vật thể của Hà Nội cần phải được nhận diện, quy hoạch lại một cách rõ ràng, từ đó có chiến lược giữ gìn, phát huy những di sản này một cách tốt hơn, góp phần xây dựng văn hóa Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết vùng, xây dựng văn hóa kinh doanh để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.