(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương thí điểm mô hình đưa công an chính quy về đảm nhận chức danh công an xã. Đến nay, việc triển khai 147 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy về công tác tại 24 xã, thuộc 14 huyện đã cho thấy những kết quả rất tích cực trong quản lý hành chính, bảo đảm an ninh trật tự, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng.
Trước hết, tại các xã có công an chính quy về công tác, việc rà soát, thống kê, nắm tình hình tại địa bàn được tăng cường; hiệu quả tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự được nâng cao rõ rệt.
Đặc biệt, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, những nơi có lực lượng công an chính quy về công tác đã khắc phục được một số tồn tại của lực lượng công an xã bán chuyên trách, như: Nhân sự thường biến động, thiếu kinh nghiệm, trình độ năng lực hạn chế…
Đơn giản là bởi những cán bộ, chiến sĩ công an chính quy được điều động đảm nhiệm các chức danh công an xã của Hà Nội đều được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm công tác.
Do đó, việc nắm, tổ chức, triển khai các chủ trương của công an cấp trên về công tác bảo đảm an ninh trật tự ở xã; tổ chức triển khai kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm đạt hiệu quả cao hơn. Nhiều thủ tục về quản lý nhân khẩu, hộ khẩu cũng được công an xã thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.
Mặt khác, trực tiếp làm việc cùng cán bộ công an chính quy, giải quyết tình hình, lực lượng công an xã bán chuyên trách đã học hỏi, rút được nhiều kinh nghiệm, nắm bắt các quy trình giải quyết công việc đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Bởi thế, việc đưa công an chính quy về đảm nhận chức danh công an xã giống như đã tiếp thêm một nguồn lực mới vì sự bình yên của các địa phương.
Thành phố Hà Nội hiện có 386 xã và 21 thị trấn, trong đó có một số xã, thị trấn được xác định là khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiếp tục bố trí công an chính quy về các xã để từng bước chuyển hóa các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự; giúp lực lượng công an tăng cường nắm bắt tình hình cơ sở, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Nhằm thực hiện tốt chủ trương này, yêu cầu đặt ra là các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ở các huyện, xã cần quan tâm, động viên, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và làm việc, để lực lượng công an xã chính quy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó là sát sao, chủ động giải quyết tốt nhất những khó khăn của lực lượng công an xã chính quy trong khả năng của từng địa phương. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là chỉ đạo thành lập chi bộ công an xã (nếu đủ điều kiện) và cơ cấu đồng chí trưởng công an xã tham gia ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy các xã phù hợp với quy định của Đảng.
Việc cần lưu ý nữa là quan tâm đến chế độ, chính sách của lực lượng công an xã bán chuyên trách để đội ngũ này tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an chính quy phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về phía cán bộ, chiến sĩ khi đảm nhiệm chức danh công an xã phải luôn nêu cao tính gương mẫu, giữ đúng lễ tiết, tác phong người cán bộ, đảng viên, không ngừng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phải đồng hành cùng người dân và tạo niềm tin từ người dân, để nhân dân cùng góp phần giữ gìn nông thôn ngày càng bình yên, tạo đà cho kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.