(HNM) - Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhưng thời điểm này Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị bán lẻ trên cả nước chuẩn bị nguồn hàng dồi dào...
Các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, bảo đảm chất lượng, cam kết thực hiện bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. |
Chủ động dự trữ hàng hóa
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018). Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát... phục vụ Tết dự kiến sản xuất, đưa ra thị trường lượng hàng hóa giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng giò chả, nông sản chế biến… tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự trữ, đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng. Các đơn vị quản lý chợ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, dự kiến lượng hàng hóa đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá, với lượng hàng hóa dự trữ khoảng 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia, với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết, doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, mộc nhĩ, nấm hương, thịt, trứng gia cầm, thủy sản… Bên cạnh đó, Hapro đã có kế hoạch về thời gian phục vụ Tết - tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích của Hapro sẽ mở cửa đến chiều tối 30 Tết. Một số địa điểm tại trung tâm thành phố sẽ bán hàng qua giao thừa, mở cửa từ mồng 1 Tết để phục vụ khách du lịch, ngày mồng 4 Tết sẽ mở cửa đồng loạt để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Trần Cứu Quốc, Giám đốc ngành hàng Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce cho biết, Vinmart đã chốt với các đơn vị cung cấp, đưa hàng về dự trữ tại các tổng kho theo kế hoạch. Trong đó, có khoảng 800 tấn gạo, 100 tấn thịt lợn, 500 tấn rau, 1.000 tấn trái cây các loại, 1.200 tấn bánh kẹo... Bên cạnh đó, Vinmart cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu mua sắm, góp phần bình ổn thị trường dịp cuối năm.
Ngoài các mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo cũng là mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết. Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đã làm việc với các đơn vị cung cấp nguyên liệu để có đủ nguồn hàng. Dự kiến, năm nay công ty này sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 400 tấn, bánh kẹo các loại, trong đó một lượng lớn được chuẩn bị để đưa về vùng sâu, vùng xa, giúp người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa có chất lượng.
Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 454 chợ, trong đó có 6 chợ đầu mối; 22 trung tâm thương mại và 124 siêu thị; đây là hệ thống cung cấp hàng hóa chính cho người dân trong dịp Tết. Ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị giao thương kết nối cung cầu, tìm thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa; phối hợp với các sở, ngành kết nối với các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển các vùng sản xuất rau, thịt an toàn để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Riêng mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh những biến động lớn, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với nhiều nhà cung cấp để có thể bình ổn thị trường, cũng như đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong những thời điểm tiêu dùng cao điểm. Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội thông tin thêm, hiện nguồn lợn hơi do doanh nghiệp cung cấp khá ổn định, là kênh quan trọng giúp bình ổn thị trường. Trước lo ngại về giá, ông Võ Việt Dũng khẳng định, với nguồn cung dồi dào như hiện nay, đặc biệt có sự tham gia điều tiết giá của 5 nhà sản xuất quy mô, giá lợn hơi dịp Tết 2019 sẽ không lo có biến động lớn.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để kịp thời điều tiết hàng hóa, Sở phối hợp chặt với các ban, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, cùng các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc. Sở Công Thương còn phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ông Chu Xuân Kiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho biết, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý địa bàn và đội cơ động tăng cường kiểm tra các kho bãi, nơi cất giữ hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm; giám sát các lò mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như tình trạng đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên cao trong dịp Tết. Về phía các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối, cần kiểm soát “đầu vào”, chú trọng hạn sử dụng của hàng hóa và nguyên liệu, tránh để xảy ra những vi phạm không đáng có liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.