Đời sống

Mua hàng Tết trên chợ trực tuyến ở các khu dân cư: Liệu có chất lượng, an toàn?

Nhóm phóng viên 22/01/2024 - 06:36

Góp phần vào cung ứng nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chợ online (trực tuyến) tại các khu dân cư, đặc biệt là ở các khu đô thị, khu chung cư có số lượng dân cư lớn đang là kênh phân phối nguồn hàng lớn.

Có đủ các mặt hàng từ thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn hay gia vị khô được người bán đăng tải công khai, chào mời với những cam kết “chắc như đinh đóng cột”. Tuy nhiên, chất lượng và vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm của những hàng hóa này vẫn cần đặt dấu hỏi?

mua-hang-online.jpg
Người mua hàng online cần nâng cao kiến thức lựa chọn và sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Ngân Thùy

Mua bán online, tiện thì có tiện...

Khảo sát tại hai phường Nhân Chính và Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), nơi tập trung nhiều nhà chung cư, số lượng chợ online lên đến con số hàng chục, như: Chợ dân cư Imperial Nguyễn Huy Tưởng, chợ dân cư 85 Vũ Trọng Phụng, chợ khu Trung Hòa - Nhân Chính, cư dân NO4, NO5 Hoàng Đạo Thúy, chợ chung cư khu nhà ở xã hội Bộ Công an... Trong đó có những nhóm chợ khá sầm uất, thu hút hàng chục nghìn người tham gia mua bán như Bếp nhà Hapu, Market Nguyễn Tuân, Thống Nhất...

Hàng hóa bán trên chợ online rất phong phú, như bánh kẹo, rượu, hoa quả, giỏ quà tặng... Đặc biệt, nhiều mặt hàng được chào bán dưới mác quà quê, đặc sản vùng miền kèm những lời mời chào như: “Tiện chuyến về quê, em gom giò bê Nghệ An", rồi đến xúc xích, lạp sườn Sơn La, gà đồi Phú Thọ...” hay “sale mạnh hàng đồ uống phục vụ Tết, bia Bỉ, vang Pháp... giá hợp lý, các bác cứ lấy cả thùng về dùng dần...”. Cùng với những thực phẩm chế biến sẵn được quảng cáo chất lượng "nhà làm" với nguyên liệu chọn lựa kỹ như: “Em có khách đặt nem thịt, giò xào, bắp bò ngâm mắm... nên gom thêm ai cần để em tiện làm một mẻ...”; “Gom đơn hàng bánh bao ngõ Cống Trắng, nổi tiếng phố Khâm Thiên”...

Tương tự, các chợ dân cư khu chung cư Goldmark City số 136 đường Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm), chợ dân cư khu An Đào (huyện Gia Lâm)... cũng nhộn nhịp người mua, người bán với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Điều đáng nói, người bán thường coi nhẹ các thông tin cần thiết như nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, cách thức bảo quản... Chị Nguyễn Thị Lý (chung cư The Legacy, số 2 phố Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân) cho biết: “Sau một thời gian mua hàng online tôi nhận thấy nhiều người bán thổi phồng chất lượng hơn thực tế. Chưa kể, nhiều hàng hóa được giao bán với kiểu nhập nhèm câu chữ, tên gọi khiến khách hàng không để ý sẽ dễ bị hiểu lầm. Đây rất có thể là nơi tiêu thụ một lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

Chú trọng tuyên truyền đến người tiêu dùng

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, việc tiếp cận, kiểm soát và kiểm tra điểm kinh doanh bán hàng tại các chung cư gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng kinh doanh lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ… nên việc xác minh, truy tìm xử lý vụ việc còn gặp không ít trở ngại.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để truy vết, phát hiện, bóc gỡ những đường dây, ổ nhóm lợi dụng thương mại điện tử, các hình thức giao dịch chào bán hàng hóa qua mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng nâng cao nhận thức, ý thức, không sử dụng hàng giả, hàng nhái, cách phân biệt hàng hóa thật - giả.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, thành phố đã chú trọng xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp, hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua… Năm 2024, ngành Công Thương Hà Nội sẽ triển khai có hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử qua việc nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai các sự kiện thường niên nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; tăng cường công tác kiểm tra về chất lượng hàng hóa trên môi trường kinh doanh mạng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, thanh tra các cơ sở chế biến thực phẩm. Thực tế đã có những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm bị xử phạt. Tuy nhiên, việc mua bán trên kênh thương mại điện tử vẫn là thách thức lớn với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, trong kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã chú trọng truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như hệ thống kiến thức về lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn đến người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mua hàng Tết trên chợ trực tuyến ở các khu dân cư: Liệu có chất lượng, an toàn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.