(HNM) - Vào dịp Tết, ngành Công Thương Hà Nội lại phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tổ chức đưa hàng Việt về bán ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp, giúp nhân dân tiếp cận với hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và Nhâm Dần 2022, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng trăm chuyến hàng lưu động phục vụ người dân khu vực ngoại thành, các khu, cụm công nghiệp đã được tổ chức. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt đã chủ động đưa hàng hóa đến khu công nghiệp, nhà máy.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bên cạnh các chuyến hàng lưu động, ngành Công Thương Thủ đô sẽ tổ chức hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp. Thông thường, khoảng 2-3 tuần trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp bắt đầu đưa hàng về khu vực nông thôn. Đối với vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp, các chuyến hàng thường tổ chức sát ngày người lao động bắt đầu nghỉ Tết và kéo dài khoảng 4-5 ngày.
Thực tế, khu vực nông thôn có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn, song hệ thống phân phối hiện đại chưa phát triển mạnh, việc tiếp cận với hàng Việt chất lượng cao còn hạn chế. Vì vậy, các chuyến hàng Việt về nông thôn dịp Tết giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận với nhiều mặt hàng tiêu dùng, gia dụng, điện tử, may mặc… thương hiệu Việt. Các doanh nghiệp sẽ triển khai chương trình kích cầu mua sắm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng ở khu vực nông thôn để tổ chức kênh phân phối phù hợp. Hơn thế, thông qua tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt chất lượng ngày càng được nâng cao, từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt.
Hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã rõ. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tham gia chương trình cần chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng bảo đảm chất lượng, kết hợp khuyến mại, giảm giá tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tư vấn, cung cấp thông tin hàng hóa, hướng dẫn người tiêu dùng cách bảo quản, đặc biệt cách phân biệt hàng thật - hàng giả…
Đối với cơ quan quản lý, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng về khu vực nông thôn thông qua hỗ trợ vay vốn ưu đãi lãi suất, bố trí điểm bán hàng, bởi đưa hàng Việt về nông thôn cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại để tăng nguồn cung, giúp doanh nghiệp khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng, giá cả, hoạt động bán hàng của doanh nghiệp để ngăn chặn kịp thời hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về lâu dài, bên cạnh các chuyến hàng lưu động dịp Tết, các địa phương cần có cơ chế thu hút đầu tư, tạo điều kiện về chính sách nhằm phát triển điểm bán hàng Việt cố định tại địa phương và từng bước hình thành hệ thống phân phối hàng hóa văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân khu vực ngoại thành. Đây là cách giúp người dân khu vực nông thôn tiếp cận nguồn hàng chất lượng, gắn kết người tiêu dùng với doanh nghiệp trong nước, thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.