(HNMO) - Thị trường bất động sản năm 2022 ghi nhận những biểu hiện bất thường khi đầu năm “bùng nổ”, nhưng đến cuối năm lại “trầm lắng”. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến dòng tiền bị “nghẽn mạch”, kéo theo tính thanh khoản của thị trường suy giảm. Đặc biệt, trong năm 2022, nguồn cung nhà ở ghi nhận sự sụt giảm mạnh, trong khi cầu bất động sản ở thực vẫn rất lớn. Sang năm 2023, nguồn cung nhà ở có được cải thiện?
Cung chỉ bằng 28% so với năm 2018
Về nguồn cung bất động sản nhà ở, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2022, cả nước chỉ có khoảng 43.500 sản phẩm được đưa ra thị trường. Con số này tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 với 180.000 sản phẩm được đưa ra thị trường.
“Rất hiếm các dự án mới trong năm 2022. Trong số lượng hiếm hoi các dự án được phê duyệt, không thấy sự xuất hiện của dự án nhà ở, chỉ thấy phê duyệt các dự án về dịch vụ. Thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp túi tiền của số đông người dân. Nguồn cung căn hộ bình dân giảm 79% so với năm 2019”, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Theo các chuyên gia bất động sản, nguồn cung nhà ở bị suy giảm là do vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư... Theo đó, nhiều dự án bất động sản bị “đắp chiếu” do các quy định pháp lý mâu thuẫn, chồng chéo tạo rào cản trong thời gian dài. Trong khoảng 2 năm qua, có hàng ngàn dự án đã được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với giá trị ước khoảng 30 tỷ USD. Sự việc này đã làm nghiêm trọng hơn tình hình đóng băng tạm thời của thị trường bất động sản.
Trong khi đó, thị trường tiền tệ bị thắt chặt tạo dòng tiền khó, đã làm giảm sức mua của thị trường. Chính sách đối với thị trường tài chính chưa ổn định; việc huy động vốn phát triển của doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, càng làm khó thêm cho nguồn cung của thị trường. Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn không thể triển khai vì pháp luật chưa thực sự cởi mở: Quy trình thủ tục còn nhiều bất cập, chưa thực sự hấp dẫn, thu hút chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội...
Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu tiếp tục bất ổn trong bối cảnh cuộc xung đột địa chính trị đang diễn ra, kéo theo bất ổn, lạm phát, xu hướng tăng lãi suất, chính sách thắt chặt tiền tệ..., ảnh hưởng lớn đến lực cầu của thị trường. Nhu cầu mua nhà giảm do thu nhập bị ảnh hưởng, trong khi nguồn cung lại chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị quá cao so với thu nhập trung bình của người dân.
Sẽ cải thiện nguồn cung
Nhận định về nguồn cung nhà ở trong năm 2023, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, nếu lạm phát tiếp tục được duy trì dưới mức 4,5%; tỷ giá được kiểm soát; thị trường bất động sản có các chính sách được ban hành theo hướng thúc đẩy phát triển dự án phù hợp với nhu cầu thị trường, cải thiện dòng tiền cho người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân; cải thiện điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thì bắt đầu từ cuối quý I-2023, những dự án phù hợp với nhu cầu thị trường có khả năng sẽ được khai thông. Qua đó, các dự án như: Nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, vướng mắc ở giai đoạn trước sẽ đẩy vào thị trường một nguồn cung mới. Càng về cuối năm, nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường càng được cải thiện. Tuy vậy, các chuyên gia cũng dự báo, lực cầu cũ chưa được đáp ứng sẽ tiếp tục duy trì, song có thể giảm do thu nhập và việc làm khó.
Để thị trường “ấm” lên, các chuyên gia bất động sản cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các chính sách hướng đến mục tiêu duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh quá trình sửa luật đang tạo rào cản để tháo gỡ các điểm nghẽn của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thế giới, rất cần các chính sách kích hoạt sự phát triển của thị trường bất động sản, làm đòn bẩy thúc đẩy cho các ngành sản xuất đang bị đình trệ như: Vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, vận tải, thậm chí ngành hàng điện tử, tiêu dùng... phục vụ người dân mua sắm khi về nhà mới. Bên cạnh đó, Tổ công tác của Chính phủ cần sớm đưa ra các kiến nghị cụ thể để tháo gỡ nhanh các nút thắt pháp lý đã và đang tạo rào cản cung cấp nguồn hàng vào thị trường.
Để quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản ổn định, bền vững, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong năm 2023, Tổ công tác liên ngành tiếp tục xuống các địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển các dự án.
Đồng thời, Tổ công tác tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.