(HNM) - Ngày 2-12, "Bộ Ngoại giao" của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ra mắt với tên gọi Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS), dưới sự lãnh đạo của đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh EU - bà Catherine Ashton.
Là người đứng đầu tổ chức hợp nhất các phòng đối ngoại của Hội đồng và Ủy ban châu Âu, độc lập với các cơ quan khác của EU, người phụ nữ 53 tuổi mang quốc tịch Anh này được coi như nhân vật quyền lực thứ hai trong EU sau Chủ tịch Herman Van Rompuy.
Bà Catherine Ashton. |
Theo quy định bà C.Ashton sẽ được hưởng mức lương gần 200 ngàn euro mỗi năm, cộng thêm gần 50 ngàn euro cho các chi phí công tác và trách nhiệm khác. Ngoài ra, bà Ashton sẽ có quyền trực tiếp điều hành 130 đại sứ quán của EU trên khắp thế giới với đội ngũ không dưới 5.000 nhà ngoại giao, đảm trách việc phân phối khoản ngân sách 10 tỷ euro mỗi năm giúp đỡ các nước đang phát triển.
Trên thực tế, việc bà C.Ashton được bầu vào vị trí này từ tháng 11 năm ngoái, sau khi Hiệp ước Lisbon chính thức có hiệu lực, là một bất ngờ lớn đối với nhiều chính trị gia. Nhiều người cho rằng, cựu thành viên Công đảng Anh này nhanh chóng được xếp vào hàng ngũ của những "quý bà trên sân khấu chính trị" - ngang hàng với Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ là do may mắn vì cơ chế bình đẳng giới trong đội ngũ lãnh đạo ngôi nhà chung châu Âu. Do đó, không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi khả năng của tân nữ Ngoại trưởng EU. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm nắm quyền bà C.Ashton, cũng là Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đã giành được tín nhiệm cao khi đóng vai trò quan trọng trong việc tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông, hỗ trợ Pakistan và thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, bà C.Ashton còn được coi là một nhà thương thuyết tuyệt vời, có nhiều công sức trong quá trình thương lượng ký kết hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc và giải quyết các tranh chấp thương mại kéo dài hàng thập kỷ giữa EU và Mỹ. Rõ ràng, những yếu tố ngẫu nhiên trong sự nghiệp không thể nào phủ nhận những ưu điểm và tiềm năng thực sự của nhân vật đứng thứ hai trong hàng ngũ lãnh đạo EU.
Trước đây trong Công đảng, Catherine Ashton dù chỉ là một chuyên gia kinh tế nhưng đã đảm trách thành công nhiều vấn đề cụ thể trong lĩnh vực y tế, giáo dục và tư pháp. Còn trong vai trò thủ lĩnh Công đảng tại Thượng viện Anh, bà Ashton từ năm 2008 đã thực sự chiếm được lòng tin của Thủ tướng Gordon Brown, sau khi đã khôn khéo điều hành để thông qua được Hiệp ước Lisbon tại Quốc hội sau quá trình tranh luận căng thẳng kéo dài tới 76 tiếng. Bà Ashton cũng nổi tiếng là người thẳng thắn, không e ngại công khai những gì mình nghĩ về các đồng nghiệp trong đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.