Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặng đường vẻ vang của những “thư ký trung thành của thời đại”

Linh Tâm| 21/06/2023 06:08

(HNM) - Năm 1950, Hội những người viết báo Việt Nam - tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập. Trải qua 73 năm hình thành và phát triển (1950 - 2023), Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành tốt trọng trách được giao phó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Ðại hội Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (tháng 9-1962). Ảnh: Tư liệu

Từ Roòng Khoa đến Helsinki

Năm 1865, tờ Gia Định Báo do Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của phụ trách được xuất bản tại Sài Gòn. Đây là tờ báo in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí Việt Nam.

60 năm sau, ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập báo Thanh Niên, cơ quan của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Đây là tờ báo mở màn cho dòng báo chí cách mạng - vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần “mở mang dân trí, chấn hưng dân khí”.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3-2-1930), nhiều tờ báo của các tổ chức Đảng ra đời trên khắp cả nước, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, lôi cuốn nhiều tờ báo có khuynh hướng dân chủ, dân tộc yêu nước tham gia. Từ đây đặt ra vấn đề là cần có một tổ chức đoàn thể báo chí thống nhất ở cả 3 miền để tập trung sức mạnh và tiếng nói của những người làm báo. Ngày 27-12-1945, Đoàn báo chí Việt Nam được thành lập tại Hà Nội trên cơ sở tách khỏi Hội Văn hóa cứu quốc.

Ngày 21-4-1950, tại xóm Roòng Khoa (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đã diễn ra Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của những người làm báo. Tiếp đó, Hội nghị thành lập Hội (Đại hội I) họp vào tháng 5-1950 ở Sơn Dương (Tuyên Quang) đã thông qua Điều lệ, bầu Ban Chấp hành Hội. Đến cuối năm 1950, Hội có 300 hội viên sinh hoạt trong các chi hội liên khu Việt Bắc và Nam Bộ.

Tháng 7-1950, nhà báo Trần Lâm và Thép Mới được cử đi dự đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) tại Helsinki (Phần Lan). Đại hội này có ý nghĩa quan trọng khi công nhận Hội những người viết báo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của OIJ.

Nhà báo Xuân Thủy, Hội trưởng Hội những người viết báo Việt Nam, năm 1950. Ảnh: Tư liệu

“Mái nhà chung” của những người làm báo

Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 10-1954, miền Bắc được giải phóng và bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoạt động báo chí giai đoạn này phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến năm 1957, toàn miền Bắc có 134 tờ báo, thực tiễn đặt ra yêu cầu cần có một hành lang pháp lý nhằm bảo đảm hoạt động chung của báo chí Việt Nam. Ngày 20-5-1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban bố Luật số 100 SL/L002, được coi là luật báo chí đầu tiên ở nước ta.

Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), báo chí cách mạng đã phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phê phán các tư tưởng thù địch... Tháng 4-1959, Đại hội lần thứ II Hội những người viết báo được tổ chức. Đại hội vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, đồng thời, Hội những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam.

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất (30-4-1975), ngày 7-7-1976, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam và đoàn đại biểu Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam đã họp Hội nghị hợp nhất tại Hà Nội, lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam. Kể từ lúc này, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức trở thành “mái nhà chung” của những người làm báo trên cả nước.

Đại diện Ban Chấp hành Hội những người viết báo Việt Nam khóa I. Ảnh: Tư liệu

Hội Nhà báo Việt Nam từ Đổi mới đến nay

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đất nước ta bước vào công cuộc Đổi mới. Đội ngũ nhà báo cũng phát triển về số lượng và chất lượng. Hội Nhà báo Việt Nam đã có hệ thống 3 cấp, với 6.200 hội viên sinh hoạt tại 32/44 hội nhà báo tỉnh, thành; 5 liên chi hội, 260 chi hội.

Tháng 10-1989 đã diễn ra Đại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 20-1-1990, Quốc hội thông qua Luật Báo chí mới. Lần đầu tiên, Hội Nhà báo Việt Nam được pháp luật công nhận quyền và nghĩa vụ của mình.

Ngày 24 và 25-3-2000, Đại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức tại Hội trường Ba Đình. Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2000), Hội đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2000), Hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao bức trướng với dòng chữ vàng: “Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Giai đoạn 2000 - 2005, báo chí Việt Nam phát triển nhanh chóng. Số cơ quan báo chí tăng lên 550 đơn vị với hơn 700 ấn phẩm. Sóng phát thanh và truyền hình phủ rộng cả nước, cùng với hoạt động của 50 báo điện tử và nhà cung cấp dịch vụ internet, 2.500 trang thông tin điện tử. Số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cũng tăng từ 8.300 lên 13.000 hội viên.

Ngày 21-6-2010, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả và đại diện nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải A Giải báo chí quốc gia năm 2021. Ảnh: Trần Hải

Gần đây nhất, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra từ ngày 29 đến 31-12-2021. Đại hội đã đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8-4-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.

Tập huấn nghiệp vụ cho hội viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Hà Nội. Ảnh: P.V

Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: P.V

Phóng viên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội tác nghiệp tại biên giới tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Nguyệt Ánh

Phóng viên Báo Hànộimới tặng báo cho các chiến sĩ hải quân trong chuyến công tác tại Trường Sa. Ảnh: P.V

73 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu phấn đấu nhằm đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, đổi mới theo kịp bước đi của thời đại. Hội đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện rõ vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp như chủ động tham gia, góp ý xây dựng cơ chế chính sách đối với báo chí; chỉ đạo điều hành các khâu tổ chức, nghiệp vụ, kiểm tra, đối ngoại, nâng cao chất lượng ấn phẩm báo chí và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên; xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tổ chức Hội báo Toàn quốc, xây dựng Cổng thông tin điện tử của Hội, ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (năm 2016) và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (năm 2018)... Những hoạt động Hội đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế, hiệu quả hoạt động và sức lan tỏa của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tính đến hết tháng 3-2023, Hội Nhà báo Việt Nam có 23.700 hội viên sinh hoạt tại 301 đơn vị các cấp Hội (63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội, 218 chi hội).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chặng đường vẻ vang của những “thư ký trung thành của thời đại”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.