Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đứng đầu cấp ủy chỉ đạo cao nhất xây dựng phương án phòng thủ dân sự

Hà Vũ| 24/01/2023 09:35

(HNMO) - Phòng thủ dân sự được tổ chức thống nhất từ thành phố đến các địa phương. Người đứng đầu cấp ủy là người lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất, toàn diện trong xây dựng phương án, kế hoạch hoạt động phòng thủ dân sự; người đứng đầu các sở, ngành, UBND, cơ quan chức năng và tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, triển khai tổ chức thực hiện ở cấp mình; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, các lực lượng nhằm xử lý mọi tình huống kịp thời và hiệu quả.

Đây là một trong những quan điểm chỉ đạo được nêu trong Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 19-1-2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về “Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Kế hoạch 127-KH/TU nêu cụ thể 4 mục đích, yêu cầu; mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đến năm 2030 và những năm tiếp theo; 5 quan điểm, 3 phương châm chỉ đạo; 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp...

Thực hành sơ tán nhân dân trong diễn tập chiến đấu phòng thủ xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ. Ảnh: QPTĐ

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thành phố và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng vào ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thủ đô.

Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ tổ chức rà soát quy hoạch, xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự ở tất cả các cấp từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã phù hợp với đặc điểm của từng địa phương bảo đảm tính khả thi; có cơ chế vận hành hoạt động phòng thủ dân sự chặt chẽ, phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng và tương ứng với từng điều kiện, tình huống cụ thể.

Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, thành phố sẽ chú trọng đầu tư, hoàn thiện trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, kết hợp với nâng cao năng lực cho các lực lượng, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí về năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh đối với các công trình, chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn, trọng điểm của thành phố...

Thành ủy Hà Nội xác định bám sát sự chỉ đạo của Đảng; thực hiện phương châm chủ động phòng ngừa là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả khi có chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh...; phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Thành phố sẽ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững gắn với tăng cường các nguồn lực phục vụ công tác phòng thủ dân sự, bảo vệ Thủ đô, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác phòng thủ dân sự; thường xuyên kiện toàn tổ chức, đầu tư trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng cho lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm nòng cốt; tăng cường năng lực cho các lực lượng tại chỗ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đứng đầu cấp ủy chỉ đạo cao nhất xây dựng phương án phòng thủ dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.