Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phòng thủ dân sự phải từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố

Theo TTXVN| 10/03/2023 18:01

Chiều 10-3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để tổng kết công tác năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo là các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan, tổ chức liên quan.

Thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố bất thường được giảm thiểu

Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo đã tập trung xây dựng thể chế, hệ thống văn bản và kế hoạch công tác phòng thủ dân sự. 58/63 tỉnh, thành phố kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn.

Ban Chỉ đạo các cấp đã theo dõi sát tình hình, tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các lực lượng chức năng phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống người dân sau thiên tai, dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ban Chỉ đạo các cấp đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 22.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xử lý hiệu quả 5.378 vụ, cứu được 5.385 người và 342 phương tiện; hướng dẫn hơn 480.000 lượt tàu thuyền với gần 2,3 triệu lượt người di chuyển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, tổ chức di dời trên 32.000 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Ban Chỉ đạo các cấp nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng; tăng cường huấn luyện, tập huấn, diễn tập theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”; gắn diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với diễn tập khu vực phòng thủ.

Cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị được quan tâm đầu tư xây dựng để nâng cao năng lực cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Hợp tác quốc tế được thúc đẩy, với việc tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực về phòng thủ dân sự; phối hợp các hoạt động quốc tế trong ứng phó thiên tai, thảm họa. Trong đó, việc đưa lực lượng của Quân đội, Công an tham gia cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện tinh thần Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, do chủ động, tích cực trong công tác phòng thủ dân sự, các thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố bất thường được giảm thiểu. Các công trình, cơ sở kinh tế - xã hội được bảo đảm an toàn; có điều kiện tốt để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Chỉ đạo cho rằng, công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục như: Lực lượng làm công tác tham mưu chưa được đào tạo chuyên sâu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phòng thủ dân sự còn hạn chế. Công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế. Thông tin, tuyên truyền chưa đến được mọi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biển đảo xa bờ. Phương án ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố có nơi xây dựng chưa sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn. Phương châm "4 tại chỗ", “3 sẵn sàng” nhiều nơi còn mang tính hình thức. Công tác huấn luyện, diễn tập có nội dung chưa sát thực tiễn...

Ban Chỉ đạo đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và trong thời gian tới là: Rà soát bổ sung, hoàn thiện thể chế về phòng thủ dân sự; kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự; tổ chức huấn luyện, diễn tập; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng thủ dân sự; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; xây dựng các công trình, trang thiết bị phòng thủ dân sự…

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp. Đại dịch Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu, sự cố, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tiêu cực. Bối cảnh đó phát sinh nhiều thách thức đối với nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Ban Chỉ đạo đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, đạt kết quả tốt, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc; xử lý hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Việt Nam còn làm tốt nghĩa vụ quốc tế, tham gia hỗ trợ khắc phục sự cố, thiên tai trên thế giới.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự tích cực, chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương và tính chủ động của nhân dân; sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn.

Chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố

Cùng với chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác phòng thủ dân sự, Thủ tướng nhận định, tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường; ô nhiễm môi trường, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều thách thức đang đặt ra cho công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 22-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phòng thủ dân sự đảm bảo thực chất, hiệu quả. Phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân trong phòng thủ dân sự, trong đó, hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân là gốc.

Theo Thủ tướng, công tác phòng thủ dân sự phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

"Chiến lược phòng thủ dân sự phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng, ngành, địa phương. Công trình phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng", Thủ tướng nhắc nhở.

Về các giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Luật Phòng thủ dân sự; xây dựng các văn bản dưới Luật quy định cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự; hoàn thành việc kiện toàn tổ chức cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Ban Chỉ đạo các cấp, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với thảm họa, sự cố và nhiệm vụ phòng thủ dân sự năm 2023 sát với thực tiễn, phát huy tốt vai trò, chức năng thường trực phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn của cơ quan quân sự các cấp; rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tham gia, thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công - tư trong công tác phòng thủ dân sự.

Thủ tướng chỉ rõ, trong khi nguồn lực Nhà nước còn có hạn, cần huy động hợp tác công - tư trong phòng thủ dân sự, trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; nếu thiên lệch, không cân bằng, hài hòa lợi ích, khó có thể thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tham mưu, đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ; ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả trong công tác phòng thủ dân sự. Bộ Công an rà soát phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử lý nghiêm vi phạm trong ứng phó, khắc phục với các sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng, chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng hệ thống thông tin về phòng, chống thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các sự cố, thiên tai; rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chủ động trong phòng ngừa với các sự cố, thiên tai, thảm họa. Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó sự cố tràn dầu, khai thác khoáng sản...

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tăng cường quản lý hoạt động của các phương tiện vận tải, nhất là phương tiện vận tải khách, đảm bảo trước, trong và sau khi có sự cố, thiên tai xảy ra. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ cơ số thuốc dự phòng cần thiết; triển khai lực lượng khám, chữa bệnh, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho người và vật nuôi trước, trong, sau khi có dịch, thiên tai. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào phòng thủ dân sự.

Bộ Xây dựng nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn hệ thống công trình phòng thủ dân sự lưỡng dụng tại đô thị, khu dân cư. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, ưu tiên bố trí vốn bảo đảm kế hoạch đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ phòng thủ dân sự theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng đề án tổ chức, hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí chủ động truyền thông chính sách và đi trước trong công tác phòng thủ dân sự.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch phòng thủ dân sự; lồng ghép nội dung phòng thủ dân sự vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Phòng thủ dân sự có ý nghĩa thiết thực bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội; tin tưởng, công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phòng thủ dân sự phải từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.