(HNMO) - Chiều 14-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đề nghị không quy định “phòng thủ dân sự cấp độ 4”
Báo cáo về một số nội dung của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về khái niệm “sự cố”, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý lại khái niệm sự cố “là tình huống bất thường do thiên nhiên, dịch bệnh, con người hoặc do hậu quả chiến tranh gây ra có nguy cơ dẫn tới thảm họa”.
Về các dạng thảm họa, sự cố, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội thấy rằng, việc phân loại như dự thảo Chính phủ trình mang tính khái quát, trong khi hai khái niệm “sự cố” và “thảm họa” đã thể hiện rõ các nguyên nhân cơ bản của sự cố, thảm họa. Do đó, việc quy định các dạng sự cố, thảm họa ở dự thảo Luật có thể dẫn đến trùng lặp, khó phân biệt, vì vậy, đề nghị bỏ nội dung này.
Do đặc điểm, tính chất các loại sự cố nên cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro do các loại sự cố cũng khác nhau. Với đặc thù đó, việc phân loại cấp độ sự cố cho các loại rủi ro cũng khác nhau, không thể có cách thức, tiêu chí đánh giá chung về mức độ rủi ro cho tất cả các loại thảm họa, sự cố trong phòng thủ dân sự. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội thống nhất với cơ quan soạn thảo đề nghị cho bỏ quy định về đánh giá mức độ rủi ro.
Đối với quy định về cấp độ phòng thủ dân sự, hoạt động phòng thủ dân sự được chia thành 3 cấp độ. Với cách thức xác định này, việc phân định cấp độ phòng thủ dân sự đã bảo đảm cả về tính chất, mức độ và địa bàn, địa giới hành chính, tạo căn cứ chặt chẽ cho các cấp chính quyền “kích hoạt” và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định “phòng thủ dân sự cấp độ 4” được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp, mà xác định cụ thể các biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp tại dự thảo Luật.
Về Quỹ Phòng thủ dân sự, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự, mà thiết kế phương án hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban xây dựng 2 phương án, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, gồm: Giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình; không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự nhưng trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật.
Quỹ Phòng thủ dân sự là nguồn lực dự phòng
Thảo luận về dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quy định nguyên tắc áp dụng bảo đảm không chồng chéo giữa Luật Phòng thủ dân sự với các quy định pháp luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa Nghị quyết số 22-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
“Việc phân định thảm họa, sự cố theo nguyên nhân dẫn đến thảm họa, sự cố thực ra không có nhiều ý nghĩa khi phương án đối phó cơ bản là như nhau”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói và cho rằng, mỗi loại thảm họa, sự cố sẽ có lực lượng chuyên trách xử lý khác nhau, do đó cần quy định rõ để bảo đảm khả thi trong quá trình thực hiện.
Thảo luận về Quỹ Phòng thủ dân sự, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc quản lý và sử dụng quỹ trong thực tế có xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế cho thấy, cần thiết phải có quỹ này. Bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị thiết kế phương án để kết hợp các nội dung, phương án đề xuất của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, từ đó đưa ra quy định phù hợp, bảo đảm quỹ huy động được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, nên có Quỹ Phòng thủ dân sự để có sẵn nguồn lực dự phòng cho công tác hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, địch họa, phục hồi kinh tế sau sự cố, thảm họa. Việc phục hồi cần thu hút nguồn lực rộng lớn, Luật cần có quy định chặt chẽ, khả thi để bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đồng quan điểm, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có quy chế để sử dụng phù hợp, minh bạch, hợp lý quỹ này. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, nếu không có nguồn lực ngay lúc đầu thì không thể ứng phó có hiệu quả khi xảy ra thảm họa, sự cố; đồng thời việc thành lập quỹ cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TƯ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật, xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.