Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người bệnh đau như ta đau!

Quỳnh Nguyên| 10/04/2015 06:28

(HNM) - Cảm phục cái tâm của cụ Phạm Thọ Tầng dành cho những người bệnh kém may mắn người ta gọi cụ với cái tên trìu mến


Hết lòng vì bệnh nhân nghèo

Đến tổ dân phố số 2, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) hỏi thầy thuốc Phạm Thọ Tầng không ai không biết. Một người dân vừa chỉ đường cho chúng tôi, vừa kể chuyện: Ở khu phố này, ai có bệnh về dạ dày, đại tràng, viêm gan B, rồi bong gân, sai khớp, thoái hóa cột sống… đều tìm đến cụ. Với những người nghèo cụ đều chữa miễn phí...

Cụ Phạm Thọ Tầng đã 25 năm làm thuốc chữa bệnh


Trong phòng khám nhỏ ngay sát UBND phường, lương y Phạm Thọ Tầng nhẹ nhàng bắt mạch, từ tốn kê đơn với những loại thuốc đựng trong chiếc tủ gỗ được bố trí từng ô ngăn nắp. Lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại của vị lương y liên tục đổ chuông. Ngày nào cũng vậy, những cuộc gọi nhờ tư vấn chữa bệnh, đặt thuốc, gửi thuốc… đến từ khắp nơi. Mọi công việc dù lớn hay nhỏ một tay lo liệu và cứ thế, suốt 25 năm, cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ vẫn phóng xe máy vù vù đi lấy thuốc hay đón bệnh nhân ở các tỉnh xa về. Với cụ, đó là tâm huyết và niềm say mê.

Cụ Phạm Thọ Tầng vốn là chiến sĩ quân y của Sư đoàn 312, vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội, vừa cầm súng chiến đấu nên không ít lần bị địch bắt tù đày. Trở về sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Tầng làm Viện trưởng Viện Điều dưỡng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và tại đây, cụ đã học được hai bài thuốc quý chữa bệnh đại tràng và dạ dày.

Công việc bắt đầu từ năm 1989, khi cụ về nghỉ hưu. Lương y Phạm Thọ Tầng tình nguyện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ đầu tiên của phường, một công việc mà khi đó không ít người "chịu" đảm đương. Thấy trong phường có nhiều trẻ em kém may mắn, bị tàn tật, thiểu năng trí tuệ, bại liệt bẩm sinh… trong khi gia đình không đủ điều kiện chữa bệnh, cụ đã dành tiền lương hưu và tiền bán thuốc, bán hàng tạp hóa của mình để mua gạo trợ cấp thường xuyên cho các cháu. Rồi công việc của bà con xóm làng, chỗ nào khó khăn cụ đều sẵn lòng giúp đỡ. Cụ Phạm Thọ Tầng nhớ lại: "Tôi thấy làng trên xóm dưới nhiều người bị đau dạ dày, đau đại tràng không có tiền chữa bệnh phải chịu những cơn đau hành hạ. Những người nghèo họ đã khổ lắm rồi, giờ thêm căn bệnh đeo bám không biết họ còn khổ sở tới mức nào. Sẵn có nghề trong tay, tôi mở phòng khám bốc thuốc miễn phí cho người nghèo, người kém may mắn".

"Nếu đến chữa trị ở đây, tôi chỉ yêu cầu họ viết một cái giấy xác nhận hộ nghèo, có chứng nhận của UBND xã là tôi sẽ khám và cấp thuốc miễn phí. Đối với những người ở xa quá không có điều kiện đến, chỉ cần gửi giấy chứng nhận hộ nghèo và kết quả khám bệnh đại tràng, dạ dày kèm theo địa chỉ, tôi sẽ gửi thuốc miễn phí đến tận nhà" - cụ Tầng nói như trải lòng mình. Rồi vị lương y mở tủ lấy ra một tập giấy chứng nhận của những bệnh nhân, hầu hết giấy tờ được viết tay có xác nhận của chính quyền địa phương đã được cụ lưu giữ cẩn thận. Qua tập giấy như vậy, có thể thấy những bệnh nhân của cụ Tầng đến từ khắp nơi: Hà Nội và nhiều người ở tỉnh, thành phố khác như Lào Cai, Bắc Giang, Yên Bái...

Giá trị của tinh thần nhân văn

Ngoài phòng khám nhỏ, cụ Phạm Thọ Tầng còn dành khu đất rộng 5.000m2 của gia đình để trồng các loại cây thuốc Nam và xây dựng khu nhà trọ miễn phí cho bệnh nhân. Cụ Tầng cho biết: "Dãy nhà cấp 4
đã xây dựng được 5 năm, dành cho những bệnh nhân nghèo phải điều trị dài ngày. Số tiền xây nhà tôi trích từ lương hưu, tiền do con cháu ủng hộ và tiền ủng hộ của những bệnh nhân đã được tôi chữa khỏi bệnh".

Dẫn chúng tôi thăm vườn cây thuốc Nam vài chục năm tuổi, cụ Tầng kể về tác dụng của từng loại cây thuốc quý như cây lá khôi, cây kim giao, cây bó xương, cây bách xanh... Từ những loại cây ấy, cùng những bài thuốc đặc trị cụ tự nghiên cứu từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước mà nhiều người đã được chữa khỏi bệnh.

Tiếng lành như cơn gió bay xa, không chỉ người dân trong nước mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng nhờ người xin thuốc của cụ Tầng. Đã có cả chục nghìn bệnh nhân nghèo nhờ thuốc của cụ mà khỏi căn bệnh dạ dày, đại tràng. Chị Nguyễn Thị Hoa (54 tuổi, quê Mỹ Đức, Hà Nội) nói: Ngày mới đến với cụ Tầng, phải nằm liệt một chỗ, các khớp và cơ không cử động được. Đã đi nhiều nơi, đến nhiều bệnh viện nhưng không hiệu quả, khi được bạn bè mách bảo, chị tìm đến phòng khám cụ Tầng. Chỉ trong 10 ngày, với phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, sử dụng tia hồng ngoại kết hợp với việc dùng thuốc Nam và kiên trì tập luyện chị đã đi lại được.

Với anh Bùi Anh Mai (50 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị bệnh cột sống nhiều năm, gia đình nghèo không tiền chạy chữa. Cụ Tầng không những chữa trị khỏi cho anh Mai mà còn miễn phí toàn bộ số tiền thuốc lên đến hàng triệu đồng. Vợ bệnh nhân, chị Trần Thị Hà xúc động: "Cụ là ông tiên đã "cứu một mạng" cho chồng tôi. Cụ đã không lấy một đồng xu nào tiền thuốc, khi tôi về quê, mỗi tháng cụ còn gửi và trả cước phí vận chuyển thuốc đến tận nhà. Gia đình tôi mang ơn cụ nhiều lắm!".

"Có lẽ bởi tấm lòng nhân hậu như vậy nên người bệnh đến với cụ ngày một đông. Người giàu, người nghèo cụ đều đối xử mực thước, không phân biệt. Người bệnh đến với cụ không chỉ bởi tấm lòng nhân hậu mà còn là tài năng của cụ. Bệnh đau dạ dày của tôi đã khỏi hoàn toàn. Những phương thuốc do chính tay cụ bào chế, hoàn tán thành viên không chỉ cho bệnh nhân dễ uống mà còn tiện cho việc bảo quản", ông Đỗ Văn Kha (Lâm Thao, Phú Thọ), người từng được cụ Tầng chữa khỏi bệnh chia sẻ.

Cụ Phạm Thọ Tầng nói: "Quan điểm của tôi là người bệnh đau như ta đau, người bệnh khổ như ta khổ. Đó là trách nhiệm của người thầy thuốc, anh phải đặt mình vào người bệnh, cảm nhận được cơn đau trong người họ thì anh mới làm tốt được". Và cứ như vậy, mỗi lần bệnh nhân báo đã khỏi bệnh cụ Tầng không giấu được niềm vui, bởi người có sức khỏe mới có thể làm việc, thoát cảnh đói nghèo. Và sau mỗi chuyến về khám bệnh, những người dân quê nghèo gửi biếu cụ đôi vịt, con gà, có khi là mấy cân khoai lang, mấy bắp ngô… Cụ bảo: Tình cảm mộc mạc mà chân thành ấy chính là động lực để cụ càng tin tưởng, cố gắng hơn cho công việc mình đang làm.

Không dừng ở việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cụ Phạm Thọ Tầng còn đi đầu làm việc thiện và có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học của địa phương. Các thế hệ cán bộ phường Xuân Khanh gọi cụ là "Ngài khuyến học". Bởi cụ Tầng là người đầu tiên đặt nền móng cho Hội Khuyến học của phường. Thời điểm lập hội, quỹ khuyến học hằng năm của phường và tổ dân phố chủ yếu do một tay cụ gây dựng. Cho tới tận bây giờ, đại gia đình cụ vẫn đi đầu trong việc đóng góp. Mỗi khi phường tổ chức trao thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, cụ lại tặng quà riêng cho các cháu. Hằng năm, đến dịp 27-7 và tết Nguyên đán vị lương y đều hỗ trợ và có các phần quà đến các gia đình chính sách. Riêng xuân Ất Mùi vừa qua, lương y Phạm Thọ Tầng đã tặng 20 triệu đồng cho 4 gia đình ở thị xã Sơn Tây mua bò giống về nuôi để phát triển kinh tế.

Giá trị sâu sắc mà vị lương y âm thầm, tận hiến cho cuộc đời trong hàng chục năm qua luôn được nhân dân và các cấp ghi nhận. Nhiều năm, UBND TP Hà Nội, thị xã Sơn Tây vinh danh "Người tốt, việc tốt tiêu biểu" và tháng 10-2014, tên cụ Phạm Thọ Tầng được xướng lên trong chương trình Vinh danh trí thức tiêu biểu Vì sự nghiệp phát triển Thủ đô tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người bệnh đau như ta đau!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.