(HNM) - Bảy năm sau ngày mở rộng địa giới hành chính Thủ đô không phải quãng thời gian quá dài song đủ để thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của khu vực ngoại thành. Một vùng nông thôn phát triển năng động với rất nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu; những xóm làng khang trang hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống
…
Hạ tầng khang trang
Trên đường vào xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), chúng tôi gặp nhiều nông dân đang chăm chút cho những luống ngô xanh mướt. Anh Nguyễn Hữu Trường, thôn Tân Lập cho hay, nhà có 5 sào ruộng nằm ở vàn cao, nước tưới khó khăn nên được xã định hướng chuyển sang trồng ngô. Không ngờ, thu nhập từ trồng ngô lại cao hơn so với lúa. Ngoài làm ruộng, gia đình còn chăn nuôi thêm nên cuộc sống đã có "bát ăn, bát để". Hỏi về những đổi thay của làng quê, anh Trường cho biết: Từ khi về với Hà Nội đến nay, giao thông đi lại dễ dàng, đời sống dân sinh nâng lên rất nhiều, bà con mừng lắm.
Lễ hội làng Giang Xá, huyện Hoài Đức. Ảnh: Đức Căn |
Nhà văn hóa trung tâm xã Yên Bình khiến những người khách phương xa đến đây choáng ngợp. Một cơ ngơi khang trang, to đẹp, hiện đại khác hẳn với cách đây 7 năm khi mới mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần khoe với chúng tôi: Nhà văn hóa có diện tích sàn 1.000m2 nằm trong khuôn viên rộng 2.000m2 vừa được khánh thành với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, bàn ghế, loa đài, phòng chức năng với tổng kinh phí đầu tư lên đến 14 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của thành phố. "Có nhà văn hóa, chúng tôi tổ chức cho nhân dân tham gia các hoạt động thể thao, cầu lông, người cao tuổi tập dưỡng sinh, thái cực quyền; mở các lớp học nhạc, đánh cờ cho các em thiếu nhi dịp hè và đọc sách báo. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả của nhà văn hóa vào các hoạt động như: Múa cồng chiêng, liên hoan văn nghệ và các hoạt động tập thể của xã…" - ông Dần cho biết.
Nhà văn hóa trung tâm xã chỉ là một trong số hàng chục công trình lớn được đầu tư ở xã Yên Bình trong 7 năm qua. Theo ông Dần, xã đã được thành phố quan tâm đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng hàng chục các công trình hạ tầng. Những công trình được xây dựng chẳng những làm đổi thay bộ mặt nông thôn mà còn tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở xã chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã đạt 23 triệu đồng/người/năm; xã đã đạt 14/19 tiêu chí NTM.
Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt
Trên cung đường mới được đầu tư, trải nhựa phẳng lỳ, chúng tôi tiếp tục đến xã Tiến Xuân. Hàng chục thanh niên nam nữ thôn Chùa 1 vui vẻ chơi bóng chuyền, tiếng nói cười giúp cảm nhận rõ hơn về một vùng nông thôn thật tươi vui và thanh bình. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiến Xuân Đinh Công Long cười: Tuy là xã dân tộc miền núi (65% dân số là người dân tộc Mường) nhưng bà con đều rất yêu thể thao. Từ khi về với Thủ đô đến nay, Tiến Xuân đã khôi phục được các đội múa cồng chiêng và trang phục của đồng bào dân tộc. Đây là nét văn hóa đặc sắc của người Mường nhưng do chiến tranh và điều kiện kinh tế khó khăn, một thời gian dài, bà con đã không duy trì được. Vừa qua, với sự hỗ trợ của huyện, 9/18 thôn của xã đã mua sắm được những bộ cồng chiêng mới, mỗi bộ có giá 50-60 triệu đồng.
Có thể thấy, thay đổi tư duy trong sản xuất của người nông dân là cái được lớn nhất ở khu vực ngoại thành những năm qua. Riêng tại 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung đã nở rộ các mô hình làm kinh tế giỏi. Ở cả 3 xã đều có hàng trăm hộ dân tập trung vào phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn mường, nuôi gà thả đồi quy mô từ vài trăm đến 5.000 con. Các gia đình đã biết cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả giá trị như bưởi, nhãn… nên số hộ nghèo ở đây giảm rõ rệt, số hộ khá, giàu ngày một nhiều. Đất rừng được giao cho các hộ trồng keo, cho thu hoạch sau 5-7 năm kể từ khi trồng với giá trị 50 triệu đồng/ha.
Tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hải không giấu được niềm vui khi chứng kiến những đổi thay lớn trong tư duy sản xuất của người dân. Những cánh đồng một thửa "thẳng cánh cò bay" sau dồn điền, đổi thửa được bà con "vẽ" lên đó những gam màu tươi sáng. Người dân Đồng Phú chuyển sang trồng lúa hữu cơ xuất khẩu có giá trị cao gấp 2 lần so với lúa thông thường. Ngoài 2 vụ lúa hữu cơ, vụ đông, bà con tiếp tục trồng đậu tương, khoai tây hữu cơ bán được giá cao khiến người dân rất phấn khởi.
Có được những kết quả đó là ngay khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã có nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến khu vực ngoại thành, trong đó đặc biệt là đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM và triển khai Kế hoạch 166 của UBND thành phố về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi Thủ đô. Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Đến nay, Hà Nội đã có 109/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 28,23%), là địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn 2,9% năm 2014 và dự kiến đến hết năm 2015 còn dưới 2%. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2014 đã đạt gần 29 triệu đồng/người/năm. Đó là những động lực để tạo đà cho khu vực nông thôn tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.