Bất động sản

Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Sôi động nhưng không có đột biến

Bạch Thanh 08/04/2024 - 12:39

Các phiên đấu giá đất hộ gia đình, cá nhân từ huyện cận đô như Đông Anh, Hoài Đức đến vùng xa là Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên… đang khá sôi động.

Khác với cảnh đấu giá đất năm 2023 ế ẩm, nhiều phiên mở bán hồ sơ không có người tham gia hoặc số người tham gia không đủ điều kiện để mở phiên đấu giá dẫn tới nhiều huyện không đạt chỉ tiêu về thu tiền từ đấu giá đất, từ đầu năm tới nay, dù chưa có đột biến lớn về giá, song các phiên đấu giá đất từ các huyện cận đô (Đông Anh, Hoài Đức...) đến vùng xa (Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên…) đều sôi động trở lại, thu hút đông đảo người dân quan tâm.

Đây là tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản ven đô dần tăng trưởng...

Nhiều phiên đấu giá thành công

Tại Hoài Đức, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã tổ chức đấu giá thành công 23 thửa đất, diện tích 2.441,8m2 tại khu Mả Trâu, thôn Đồng Nhân, xã Đông La (tổ chức ngày 18-3-2024), thu 179,2 tỷ đồng. UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định phê duyệt trúng đấu giá và Chi cục Thuế đang phát hành thông báo nộp tiền tới người trúng đấu giá.

Trong tháng 4 này, Trung tâm phát triển quỹ đất Hoài Đức tiếp tục thông báo đấu giá quyền sử dụng đất đối với 34 thửa, diện tích 3.366,7m2 cũng tại khu Mả Trâu, xã Đông La, dự kiến thu 200 tỷ đồng.

hoai-duc.jpg
Đất đấu giá tại khu Mả Trâu, thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức đang thu hút nhiều người dân... Ảnh: Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức.

Tương tự, tại huyện Đông Anh, khác hẳn cảnh đìu hiu trong năm 2023, các phiên đấu giá đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Trong tháng 2 và tháng 3-2024, Đông Anh đã tổ chức đấu giá thành công các thửa đất trong khu LK6 thuộc Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xã Thụy Lâm, tổng diện 2.872,2m2, thu về ngân sách hơn 143 tỷ đồng, vượt gần 69 tỷ đồng so với dự kiến.

Tại các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì... là những địa phương được đánh giá là thị trường bất động sản ít sôi động cũng đều tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá.

Cụ thể, tại Ứng Hòa, đầu năm 2024, huyện tổ chức đấu giá thành công 26 thửa đất tại các xã: Đại Hùng, Đại Cường, Hòa Xá... là những thửa đất đấu không thành công trong năm 2023 được chuyển tiếp sang năm 2024, thu về ngân sách hơn 37 tỷ đồng.

Tại Ba Vì, cuối tháng 2, đầu tháng 3, huyện cũng đã đấu thành công 37 thửa đất tại thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, thu hơn 99 tỷ đồng...

Chưa có đột biến về giá

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, tình hình đấu giá đất trên địa bàn tuy sôi động nhưng không biến động về giá. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, Hoài Đức tiếp tục mở thêm 9 khu đấu giá đất ở các xã: Vân Canh, Sơn Đồng, Yên Sở, Song Phương, Lại Yên… Trong đó, chỉ có dự án đấu giá xã An Thượng, vị trí X2 - khu Đồng Ang (tổng diện tích 5,4ha, đấu giá quyền sử dụng đất 20.700,7m2 và 1.804,4m2 bãi để xe, dự kiến tổ chức trong tháng 5-2024) và dự án đấu giá xã Lại Yên - khu Sườn Trại (tổng diện tích 1,9ha, đấu giá 9.759m2) là hình thức đấu giá dự án cho tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xây dựng nhà ở để bán, còn lại các dự án đấu giá khác trên địa bàn Hoài Đức đều là hộ gia đình, cá nhân.

Nếu như trong năm 2022, thị trường bất động sản trầm lắng, huyện Hoài Đức có 2 năm liên tiếp không đạt nguồn thu từ đất do hầu hết các phiên đấu giá không có người tham gia... thì năm 2024 này, phân khúc đấu giá đất hộ gia đình, cá nhân có nhiều cải thiện. Dự kiến năm 2024, thu từ đấu giá đất tại Hoài Đức đạt hơn 2.600 tỷ đồng.

Lý giải về phân khúc đấu giá đất hộ gia đình tăng mạnh những tháng đầu năm, Giám đốc Trung tâm Quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng cho hay: Thời gian qua, thành phố, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3,5, việc kết nối với nội đô thuận lợi, song đất đấu giá ở Hoài Đức so với một số quận trung tâm không có nhiều đột biến (giá khởi điểm chỉ ở mức 60-80 triệu đồng/m2 trong khi nhiều quận lên tới trên 100 triệu đồng/m2).

dong-thai1.jpg
Đầu năm 2024, huyện Ba Vì đấu giá thành công 37 thửa đất tại thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, thu về hơn 99 tỷ đồng. Ảnh: Sơn Tùng

Đối với các huyện xa trung tâm nội đô như Ba Vì, theo Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phùng Hữu Lộc, phiên đấu giá ở thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái thu chênh từ giá khởi điểm cho 37 thửa đất chỉ hơn 3,5 tỷ đồng. Mỗi lô đất, khách trả chênh so với giá khởi điểm chỉ 1 vài bước giá, có thửa đất khách trả nguyên giá.

Ví dụ như thửa L01-7 có giá khởi điểm 42,8 triệu đồng/m2 thì người trúng đấu giá cũng chỉ chênh 1 bước giá lên 42,9 triệu đồng/m2 - chứng tỏ công tác đấu giá đất dù thuận lợi nhưng không "sốt". Thực tế, các khu đất đấu giá đều có vị trí đẹp, giao thông thuận lợi, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nên thu hút sự quan tâm của người dân chứ không có hiện tượng tăng giá bất thường, đầu cơ hay thổi giá.

Còn tại Ứng Hòa, nếu như cả năm 2023 toàn huyện chỉ thu được hơn 100 tỷ đồng từ đấu giá đất thì trong năm 2024, huyện tập trung hoàn thiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất các xã được phê duyệt dự kiến tổ chức 7 phiên của 6 xã, thị trấn, ước đạt 370 tỷ đồng. Qua các phiên đấu giá đầu năm với mức khởi điểm 7-12 triệu đồng/m2 dù đông khách quan tâm nhưng bước giá tăng sau đấu giá không nhiều (2-5 bước giá, tương đương 200.000-500.000 đồng), mỗi lô đạt từ 1,5 tỷ đến hơn 2 tỷ đồng tùy vị trí và diện tích.

“Với phân khúc này, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cả huy động tiết kiệm đến cho vay đều thấp, dòng tiền nhàn rỗi trong dân có xu hướng chuyển tới bất động sản đấu giá khu vực ngoại thành, do đó chúng tôi kỳ vọng việc đấu giá đất năm 2024 của Ứng Hòa sẽ đạt kế hoạch đề ra", Giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Ứng Hòa Đặng Đăng Khoa nói.

Nhìn chung, các phiên đấu giá đất ngoại thành được đánh giá là sôi động trở lại chứ chưa có đột biến về giá. Nếu như đợt sốt đất năm 2021, nhiều vị trí đấu giá ở các huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Oai... giá tăng 2-3 lần so với khởi điểm, sau đấu giá tỷ lệ bỏ cọc, không thực hiện nộp tiền cao. Hệ quả là 2 năm 2022, 2023 có tới 70% số phiên đấu giá đất ở ngoại thành không có người tham gia hoặc số người tham gia không đủ điều kiện mở phiên đấu giá. Còn năm nay, các phiên đấu giá đất hộ gia đình, cá nhân khu vực ngoại thành khá thành công, mức giá trúng đấu giá phù hợp thực lực khách hàng nên chưa xảy ra hiện tượng bỏ cọc hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Theo nhận định của giới chuyên môn, mua - bán đất nền giai đoạn này đều là người mới đáo hạn tiền gửi tiền kiệm, có số vốn khoảng 1-5 tỷ đồng. Thêm vào đó, thành phố Hà Nội xác định rõ các trục phát triển cùng những dự án lớn được chào đón tại một số huyện… đang là lợi thế giúp thị trường bất động sản ngoại thành sôi động trở lại, trong đó có đất đấu giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Sôi động nhưng không có đột biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.