Thị trường

Mạnh tay xử lý hàng giả ở khu vực ngoại thành

Hoàng Minh 23/03/2024 - 07:35

Mặc dù hằng năm, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, xử lý hàng nghìn vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng... tuy nhiên đến nay thực trạng này vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là khu vực ngoại thành. Tăng cường đấu tranh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… là nhiệm vụ cần được ưu tiên triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

hang-gia.jpg
Người dân mua sắm tại chợ Sấu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức).

Còn nhiều vi phạm

Ngày 12-3, ông Nguyễn Văn Thuấn (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) ra một cửa hàng bán gạo ở gần chợ Thụy Hương mua 10kg gạo ST25 về ăn. Khi về nhà, so sánh với vỏ bao gạo cũ, ông Thuấn mới biết mình mua phải hàng nhái. Cụ thể, trên bao bì túi gạo mới mua ghi “Gạo ông Vua”, trong khi túi gạo thật ghi “Gạo ông Cua Việt Nam”. Đáng nói, túi gạo mới mua không ghi ngày, tháng, năm sản xuất, không ghi chỉ dẫn địa lý… như bao gạo thật.

Tương tự, bà Tạ Thị Phương (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) cũng vừa mua phải 2 bịch giấy vệ sinh nhãn hiệu Posy kèm hàng khuyến mại giả. “Nhìn bao bì sản phẩm, tôi không biết là hàng giả, chỉ đến khi con tôi đọc thông tin trên sản phẩm, thấy đơn vị sản xuất không phải của Nhà máy Giấy Xương Giang (tỉnh Bắc Giang) - đơn vị đăng ký nhãn hiệu độc quyền giấy Posy tôi mới biết mình mua phải hàng giả”, bà Phương cho biết.

Không chỉ có ông Thuấn, bà Phương, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng, quần áo, giày dép, thực phẩm ở khu vực ngoại thành như các huyện: Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai… cho thấy, tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn bày bán khá nhiều.

Tại chợ Sấu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức), chợ Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), các mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bày bán khá công khai. Theo quan sát, nhiều túi xách, ví da, giày dép ghi thương hiệu: LV, Adidas, Nike, Puma, Gucci… có giá chỉ 80.000-200.000 đồng/món hàng.

Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2023, toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.760 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hơn 18,121 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 17,857 tỷ đồng. Nhiều vụ việc vi phạm bị xử lý có tính răn đe cao nên không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, dự báo, năm 2024, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận thu được lớn.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… ở Hà Nội hiện nay là địa bàn quản lý rộng, phức tạp với nhiều kho tàng, bến bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, gây khó khăn trong công tác nắm bắt, quản lý địa bàn. Mặt khác, nhiều đối tượng thuê kho, bãi sẵn sàng chống đối (không tiếp xúc, không làm việc), gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm soát địa bàn.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Trưởng ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) huyện Phạm Quang Tuấn cho biết, nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng chú trọng kiểm tra các đối tượng kinh doanh có hoạt động tổ chức, tập kết, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái qua kênh thương mại điện tử, các hội chợ hàng tiêu dùng trên địa bàn.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Trưởng ban Chỉ đạo 389 huyện Nguyễn Trung Thuận, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã kiểm tra, xử phạt 23 vụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để ổn định tình hình thị trường, cùng với việc rà soát, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không kinh doanh hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Hoài Đức sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh...

Theo ông Chu Xuân Kiên, trước mắt, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường về tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về các vụ việc vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả bị bắt giữ; cách phân biệt hàng giả, hàng nhái đến đông đảo nhân dân. Mặt khác, đơn vị sẽ phối hợp thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu để phục vụ tốt hơn công tác chống buôn lậu, hàng giả…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay xử lý hàng giả ở khu vực ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.