Xây dựng

Nghiên cứu để khắc phục tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng

Đình Hiệp 21/06/2023 - 18:28

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, chiều 21-6, đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho ý kiến về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu để khắc phục tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng.

toan-canh-chieu.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 21-6.

Tranh luận về việc doanh nghiệp tự thỏa thuận việc bồi thường

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, về đền bù, giải tỏa mặt bằng khi thu hồi đất để thực hiện dự án, Ban soạn thảo dự án Luật cần tìm ra phương án hữu hiệu đối với vấn đề này và cần nâng cao sự vào cuộc của chính quyền địa phương… Theo đại biểu, từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án thường gặp vướng mắc là do phần lớn không thỏa thuận được giá đền bù. Thậm chí, có trường hợp người dân không cho gặp để thỏa thuận. Điều này dẫn đến chậm trễ khi triển khai dự án hoặc phải bỏ dự án.

anh-tri-chieu.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Với tình hình trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, Chính phủ, Ban soạn thảo suy nghĩ để tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án thuộc nhóm tự thỏa thuận, nếu đạt thỏa thuận được từ 70% trở lên và thời gian đã chậm gấp 2 lần so với thời gian mà cấp có thẩm quyền cho phép thì chính quyền phải vào cuộc để thực hiện việc giải tỏa và giá đất chỉ bằng giá quy định của Nhà nước cho đất ở khu vực đó.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, phải tránh tình trạng dự án tư nhân đầu tư lợi dụng danh nghĩa là dự án phát triển kinh tế - xã hội và phải để cho người dân, doanh nghiệp tự thỏa thuận.

Về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) không đồng tình với quan điểm nêu trên và cho rằng, không phải cứ dự án tư nhân đầu tư là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

hoang-cuong-chieu.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) tranh luận.

“Đất đai là do Nhà nước quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Như vậy, bất kể dự án nào thực hiện quy hoạch đất đai của Nhà nước đều là dự án thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Bất kể dự án nào mà Nhà nước đã phê duyệt thì đủ điều kiện là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và có thể được thu hồi”, đại biểu phân tích thêm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, nếu như Nhà nước thu hồi và cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường tái định cư để tạo được sự đồng thuận của người dân thì chúng ta sẽ đạt được các hiệu quả về kinh tế - xã hội tốt hơn và đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của Nghị quyết 18. Ngược lại, nếu cứ để cho người dân, doanh nghiệp tự thỏa thuận thì nảy sinh rất nhiều yêu cầu, ví dụ như yêu cầu đảm bảo hài hòa lợi ích là không được thực hiện hoặc yêu cầu về tái định cư phải đảm bảo ổn định tốt hơn cũng không được thực hiện.

dai-bieu-chieu-2.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 21-6.

Từ đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc Nhà nước thu hồi mà có phương án tái định cư tốt sẽ bảo đảm tốt hơn và có các phương án để tự thỏa thuận như quan hệ mua bán, tuyển dụng đất đai không cần phê duyệt dự án; các dự án mà người dân đóng góp đất, đóng góp cổ phần để cùng kinh doanh; dự án tái điều chỉnh, phân loại khu dân cư hoặc tái thiết đô thị. 

Bảo bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo

bo-truong-chieu.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, cơ quan soạn thảo đã cố gắng phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát định hướng của Nghị quyết số 18 và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh tính thống nhất và tránh chồng chéo giữa dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với các dự thảo luật khác, xác định nguyên tắc đối với các luật được ban hành trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì sẽ rà soát luật nào có quy định mâu thuẫn, xung đột thì quy định cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo luật, bảo đảm có hiệu lực đồng bộ và bảo đảm tính khả thi. Đối với các luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật như Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng, Luật Đấu thầu... sẽ được rà soát, thống nhất quy định với Luật Đất đai.

pho-chu-tich-qh-chieu.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một ngày thảo luận, đã có 56 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận, còn 106 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi văn bản ý kiến qua Ban Thư ký kỳ họp để tổng hợp. 

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu để khắc phục tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.