Mỗi nhà văn luôn có một “vùng đất” quen thuộc để gieo hạt. Với Chu Lai, vùng đất đó là “chiến tranh” với những ký ức thiêng liêng, đau thương, hào hùng.
Ông đã cày cuốc dọc ngang trên cánh đồng của mình, bằng chính những trải nghiệm xương máu, để mang đến cho bạn đọc nhiều suy niệm về thân phận con người, về số phận đất nước và về giá trị của hòa bình chúng ta đang sống hôm nay.
1. Năm mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, nhìn lại, Chu Lai là một gương mặt không thể thiếu trong toàn cảnh nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu ký ức chiến tranh còn soi chiếu cho các thế hệ mai sau những bài học quý, thì tác phẩm của Chu Lai cùng các nhà văn thế hệ ông đã đóng góp một phần không hề nhỏ.
Có thể viết về đề tài chiến tranh một cách lâu bền, gần như xuyên suốt đời sáng tác của mình là bởi Chu Lai đã trải qua những năm tháng trận mạc, cận kề sinh tử, chứng kiến những khổ đau, thiếu thốn, vinh quang và mất mát nơi chiến trường. Ban đầu cầm súng băng rừng lội suối đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Chu Lai đâu nghĩ rồi ông sẽ trở thành một nhà văn, người kể chuyện chiến tranh cho thế hệ mình và thế hệ mai sau. Trước khi trở thành lính đặc công, ông là diễn viên kịch, mang trong mình dòng máu nghệ sĩ được nhận từ người cha, nhà viết kịch Học Phi. Nhưng người diễn viên Chu Lai trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh đã sớm biết chán cảnh ngày ngày hóa thân vào các vai phản diện (vì vẻ ngoài có phần xù xì của mình) mà xung phong ra tiền tuyến đánh giặc - việc mà Chu Lai thấy hữu ích hơn. Sau chiến tranh, ở tuổi gần 30, Chu Lai xác định tiếp tục nghiệp nhà binh với dự định trở thành một sĩ quan tình báo. Nhưng vẻ ngoài dễ nhớ, dễ ấn tượng một lần nữa không cho Chu Lai toại nguyện mong muốn. Người phụ trách thi tuyển sĩ quan tình báo đã dội một “gáo nước lạnh” vào Chu Lai: “Ngành tình báo chúng tôi cần một khuôn mặt nhìn 10 lần còn quên, riêng khuôn mặt đồng chí chưa nhìn đã nhớ, nên đồng chí bị loại”.
Và chỉ chờ có thế, văn chương đã “vồ” lấy Chu Lai. Ông viết về những gì đã có, đã chứa, đã đầy trong chiếc túi ký ức khổng lồ của một người lính dằng dặc tháng năm bom đạn. Ký ức cuồn cuộn chảy như nước sông Sài Gòn nơi Chu Lai đánh giặc năm nào, chảy đầy mỗi trang bản thảo của ông.
2. Chu Lai có một định nghĩa nổi tiếng: “Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình”. Phải đi qua sự tàn khốc, trần trụi của chiến tranh, người lính cầm bút mới có thể đưa ra một suy nghiệm đầy tính cá nhân như vậy. Trong các tiểu thuyết của Chu Lai, từ “Ăn mày dĩ vãng” đến “Nắng đồng bằng”, “Ba lần và một lần”, “Phố”, “Mưa đỏ”... tính hiện thực trần trụi là nổi bật. Và để trái tim người đọc đỡ bị đớn đau, cào rách, Chu Lai thường khéo léo pha thêm chút hiện thực lãng mạn. Những câu chuyện tình yêu thời chiến trong tác phẩm của Chu Lai khiến cho ta tin vào sự hồi sinh của trái tim con người. Sau những tổn thương, chết chóc, những mầm cây hạnh phúc vẫn trổ lá non hy vọng. Nhà văn nói: “Càng khai thác đề tài chiến tranh càng phải khẳng định một điều rằng, nếu không có sự lãng mạn trong chiến tranh thì cuộc chiến tranh sẽ thất bại. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự lãng mạn trong tâm hồn của người lính. Hình bóng những người con gái trong trận mạc làm giàu cho cuộc chiến. Nếu không có những cô du kích, giao liên, y sĩ, bác sĩ thì cuộc chiến tranh “nghèo” đi nhiều lắm”. Dễ hiểu vì sao những người lính như Chu Lai, như những nhân vật trong tác phẩm của ông ra trận ngày đó, mà lòng náo nức. Họ đã chấp nhận cái chết và bởi lãng mạn mà vượt lên cái chết, mà chiến thắng kẻ thù.
So với các nhà văn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Chu Lai dường như “lãi hơn” về mặt hình ảnh. Vẻ ngoài xù xì làm khó ông đôi lần, nhưng cũng mang đến cho ông một sự hấp dẫn riêng, một cá tính riêng. Có một dạo, người ta thấy ông liên tục xuất hiện trên truyền hình, nói chuyện khẩu khí, ngôn từ mạnh mẽ. Lúc trà dư tửu hậu ông thừa nhận, mình được thuộc mặt, nhớ tên nhiều hơn là bởi truyền hình. Nhưng thực ra, những cuộc xuất hiện như vậy, hay những lần lái xe ô tô xuyên Việt của Chu Lai cũng chỉ là chút khoảng lặng giữa hai cuốn sách. Thay đổi để tìm cảm hứng cho cuốn sách mới là điều quan trọng. Chu Lai không có cái ham nào lớn hơn cái ham cầm bút, ngồi trước bàn viết của riêng mình.
3. Người ta nói, những trang viết của một nhà văn có thể làm nhẹ món nợ ký ức của họ, nhưng với Chu Lai thì không có chuyện đó. Càng viết càng mắc nợ, càng viết ký ức càng dày lên, phủ đầy đời sống, tâm tưởng của ông. Ông viết về vùng ven Sài Gòn, về miền Đông Nam Bộ nơi ông đã từng chiến đấu, rồi viết về Tây Nguyên, về chiến trường Quảng Trị. Ông không chỉ quan tâm những phận người trong chiến tranh mà còn chia sẻ nỗi đau cùng những con người bé nhỏ sau chiến tranh. Những chuyến đi tìm đồng đội, gặp gỡ các thương binh sống sót trở về, những người vợ mất chồng, người con mất cha, những bà mẹ Việt Nam anh hùng một lần nữa cho ông hiểu thêm về nỗi đau hậu chiến. Hiện thực ấy khiến cho một người lính lành lặn trở về như ông luôn thấy mình có lỗi, thấy mình cần làm gì đó cho họ.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của chúng ta, những nỗi đau hậu chiến còn đó. Hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Và trong trái tim những nhà văn một thời cầm súng như Chu Lai, chiến tranh vẫn tươi ròng một vùng ký ức. Nó thiêng liêng vì gắn với vận mệnh dân tộc, gắn với số phận của nhân dân, nhưng nó cũng dạy chúng ta nhiều bài học quý giá, để tránh cho tương lai những cuộc chiến tranh tương tự. Văn học nghệ thuật đã chỉ ra những bài học ấy cho người đọc. Bàn về tác phẩm xứng tầm so với cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc, Chu Lai thẳng thắn thừa nhận, dù chúng ta có được nhiều tác phẩm gây xúc động lòng người, nhưng mỗi tác phẩm có lẽ mới chỉ phản ánh được một lát cắt của cuộc chiến. Nhà văn khiêm tốn chia sẻ rằng, sau tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” ông đã dự định viết một “biên niên sử” 4 tập, có ý nghĩa như một tổng kết về chiến tranh, kể chuyện một gia đình phân hóa suốt từ năm 1930 đến 1975. Nhưng rồi cuốn sách ấy không ra đời, vì “không đủ lực, không đủ sức, vì mưu sinh”, Chu Lai chỉ viết được cuốn “Khúc bi tráng cuối cùng” mà ông tự đánh giá là “nhẹ hều”. Và “món nợ” chiến tranh trong ông vẫn còn nặng trĩu đến tận hôm nay, dù đánh giá một cách khách quan, các tác phẩm của ông đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo văn học chiến tranh đậm đà dấu ấn, như nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã tổng kết.
Chu Lai nhiều lần nói rằng, chiến tranh là một siêu đề tài, cũng như người lính là một siêu nhân vật. Những tác phẩm văn học hay về đề tài chiến tranh không chỉ là trách nhiệm của các nhà văn mặc áo lính một thời xông pha trận mạc, mà còn là trách nhiệm chung của những người cầm bút, đặc biệt là nhà văn trẻ. Mỗi người tùy theo góc nhìn của mình sẽ kể câu chuyện chiến tranh của riêng họ. Những nhà văn thế hệ Chu Lai đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng để có được những tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh xứng tầm nhân loại, phản ánh toàn diện cuộc chiến đấu vĩ đại của thế hệ cha anh, chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi ở các tác giả hậu chiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.