(HNM) - Sử dụng chế phẩm sinh học để làm sạch ao nuôi thủy sản, xử lý rơm rạ thành những sản phẩm có ích... là một trong số đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học đã được TS Lê Văn Tri và đồng nghiệp tại Công ty CP Công nghệ sinh học - Phân bón Fitohoocmon (Công ty CP CNSH) nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn. Những ứng dụng này góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị nông phẩm.
Tiền đề mới cho nuôi trồng thủy sản
Theo Ths Hoàng Việt Hậu, Trường ĐH Đà Lạt, tại Việt Nam, người dân vẫn có thói quen sử dụng các loại chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý để làm thức ăn cho cá nước ngọt và ao nuôi thủy sản. Những chất này, khi chưa được xử lý, chứa nhiều vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh cho cá, làm ô nhiễm môi trường ao nuôi do quá trình phân hủy tiêu tốn ôxy và sinh ra các loại khí độc. Để giải quyết vấn đề trên, người nuôi thủy sản thường dùng các loại hóa chất diệt khuẩn, các loại kháng sinh. Phương pháp này chỉ có tác dụng nhất thời, lại có mặt hạn chế là tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong ao hồ, hủy hoại môi trường sinh thái và làm tăng chi phí sản xuất.
TS Lê Văn Tri đang giới thiệu các quy trình sản xuất mạ khay. |
Theo TS Lê Văn Tri, để phát triển một nền nông nghiệp xanh, sạch, cần phải sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường. Đó cũng là phương thức hiệu quả nhằm làm giảm chi phí sản xuất so với việc sử dụng hóa chất và kháng sinh. Với những động lực này, nhóm nghiên cứu của TS Lê Văn Tri đã nghiên cứu và sản xuất thành công một số chế phẩm sinh học: Chế phẩm BTS, BTS1 xử lý nước ao, chế phẩm BIOF, BIOF 1 cải tạo đáy ao nuôi. Ngoài việc xử lý vệ sinh môi trường chăn nuôi thủy sản bằng công nghệ sinh học, các chế phẩm còn giúp phòng chống một số bệnh thường gặp ở các loài thủy sản, làm tăng chất lượng, sản lượng đầu ra cho nông dân.
Hướng tới việc nuôi trồng thủy sản an toàn, nhóm nghiên cứu còn có chế phẩm ATV (Anti Vibrio) giúp khắc phục thực trạng nan giải: Hằng năm, có hàng nghìn hộ nông dân luân canh tôm - lúa bị thua lỗ do tôm bị bệnh - như năm 2011, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại lên đến gần 85.000ha. Các nghiên cứu đã chỉ ra việc giảm sút sản lượng tôm nuôi liên quan đến nhóm vi khuẩn Vibrio. Nhóm vi khuẩn này còn là tác nhân gây bệnh ở một số loài có giá trị kinh tế cao như cá trình, cá tráp, cá mú, cá hồi… Chế phẩm ATV gồm những vi sinh vật sống, có tác dụng đối kháng Vibrio, hạn chế lây lan bệnh phát sáng trong nuôi trồng thủy sản, tăng tỷ lệ sống cho tôm bố mẹ.
Từ mạ khay tới yêu cầu cơ giới hóa
TS Lê Văn Tri và đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm thành công nhiều phương pháp và công nghệ mới ứng dụng trong nông nghiệp, làm lợi cho người nông dân, như hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ gieo trồng lúa từ mạ khay.
Theo TS Chu Văn Thiện - Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, công nghệ gieo mạ khay được áp dụng phổ biến tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tại Việt Nam, người dân chủ yếu dùng phương pháp mạ dược truyền thống, vốn có nhiều điểm hạn chế như phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mùa vụ, chế độ thủy lợi... Với công nghệ mạ khay, nông dân có thể chủ động được nguồn dinh dưỡng đối với cá thể mạ, giống, có thể tiến hành theo diện rộng, tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành trong công nghệ sản xuất lúa. TS Lê Văn Tri nhấn mạnh: Chỉ có phát triển công nghệ này mới có thể cơ giới hóa đồng bộ đối với sản xuất lúa trong nông nghiệp, người nông dân sẽ không còn cảnh "chân lội dưới bùn tay cấy mạ non"…
Công nghệ sản xuất mạ khay đã được đưa vào Việt Nam từ năm 1992 nhưng chưa phát huy hiệu quả đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là nông dân chưa chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, quy trình công nghệ sản xuất không đạt quy chuẩn quốc gia cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp.
Các nhà khoa học trong nhóm đã sử dụng nguồn nguyên liệu sau thu hoạch, như rơm rạ và xử lý bằng chế phẩm Fito - Biomix RR để sản xuất mạ khay. Trong quá trình đó, có thể ứng dụng các chế phẩm sinh học để hỗ trợ sự sinh trưởng và phát triển của cây mạ như chế phẩm sinh học kích thích nảy mầm Lufain-91, Azolua - hỗn hợp vi sinh vật cố định đạm vùng rễ lúa. Công nghệ này giúp tạo điều kiện về dinh dưỡng, độ tơi xốp, chất keo, chất vi lượng, độ pH... thích hợp cho sự phát triển của mạ, bảo đảm chất lượng mạ khi đưa ra ruộng cấy. Thành công này tạo bước đột phá trong sản xuất mạ khay công nghiệp và mạ trên nền đất cứng, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa góp phần bảo vệ sinh thái đồng ruộng, đồng thời đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.