(HNMO) - Ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp nhưng không vì thế làm giảm nhịp độ tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường. Chạy đua với dịch bệnh, không khí khẩn trương, bắt tay ngay vào công việc, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đặt ra ngay trong tháng đầu tiên của năm mới đã diễn ra tại nhiều cơ sở sản xuất.
Giữ vững nhịp sản xuất những ngày đầu năm mới
Có mặt tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông ngay ngày đầu tiên đi làm (ngày 17-2), phóng viên Báo Hànộimới cảm nhận một không khí làm việc tích cực của đội ngũ công nhân ở các xưởng sản xuất. Không gian nhà xưởng chỉ nghe tiếng ro ro của máy móc, mọi người đều tập trung vào công việc mình phụ trách, không có tiếng chúc tụng của ngày đầu tiên đi làm sau Tết.
Anh Trương Văn Tiến (công nhân Xưởng điện tử LED và thiết bị chiếu sáng) cho biết, năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Ban lãnh đạo công ty đã chèo lái "con thuyền" Rạng Đông vững vàng, bảo đảm đời sống cho người lao động. Ngay từ đầu năm, không ai bảo ai, mỗi thành viên trong công ty đều quyết tâm, cố gắng hết sức để mang lại hiệu suất cao, góp phần cùng công ty đạt vượt mức kế hoạch đề ra.
Tương tự, tại các đơn vị sản xuất khác trên địa bàn Hà Nội, không khí làm việc cũng rất khẩn trương ngay ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết.
Tại Tổng công ty May 10-CTCP, vì dịch bệnh nên đơn vị không tổ chức lễ ra quân đầu năm, thay vào đó là tập trung ngay cho sản xuất. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc công ty cho biết, năm vừa qua với ngành dệt may là năm đặc biệt khó khăn khi thị trường có nhiều biến động khó dự báo. Nhưng với chiến lược phát triển đúng đắn, May 10 đã trụ vững và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Doanh thu toàn tổng công ty trong năm 2020 đã đạt 3.507 tỷ đồng (vượt 3,7% so với cùng kỳ); lợi nhuận đạt 82 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 7,6 triệu đồng (giảm 6,5% so với cùng kỳ)…
Bước vào năm mới, Tổng công ty May 10-CTCP quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành nhiệm vụ đặt ra với mục tiêu doanh thu đạt 3.636 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 82 tỷ đồng và thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại Tập đoàn Thành Công, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn cho biết, góp phần cùng thành phố khống chế dịch và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm sức khỏe, an toàn cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân, lao động trên cả nước, tập đoàn sẽ tập trung khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cả ba lĩnh vực trụ cột là cơ khí sản xuất ô tô, bất động sản và tài chính.
“Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Riêng tại địa bàn Hà Nội, năm 2021, Thành Công sẽ triển khai thực hiện 3 dự án trọng điểm, đó là dự án xây dựng Vườn hoa Duy Tân (dự án thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội) tại quận Cầu Giấy và 2 dự án bất động sản tại huyện Đông Anh là dự án Cầu Đôi và dự án Phúc Thịnh”, ông Tuấn nói thêm.
Tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), ông Kondo Masao, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công nhân đã trở lại sản xuất đạt khoảng 80%, dự kiến con số này sẽ đạt 100% vào ngày 22-2. Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ban giám đốc công ty, đời sống của người lao động vẫn được bảo đảm.
Trong năm 2021, Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sơn công nghiệp và sơn tôn mạ; nâng cao năng lực sản xuất, giữ vững thị phần sơn ô tô và sơn xe máy với tổng doanh thu dự kiến đạt 60 triệu USD…
Tại các khu công nghiệp khác trên địa bàn Hà Nội, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống nhưng các hoạt động sản xuất vẫn được duy trì.
Đơn cử, tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), nơi có 98 doanh nghiệp với khoảng 15.000 lao động làm việc, ông Trì Khải Mậu, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH đồ chơi Chee Wah Việt Nam cho biết, công ty có gần 1.500 công nhân, trong đó có gần chục người nước ngoài, nhưng không về nước, ở lại công ty trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Số công nhân còn lại là người ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Ngay trong ngày đầu trở lại làm việc, các công nhân được hướng dẫn khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay và trong quá trình làm việc đều phải đeo khẩu trang. Cũng theo ông Mậu, thu nhập của công nhân khoảng 5-7 triệu đồng/người/tháng, tùy theo vị trí việc làm. Công ty cũng bố trí ăn trưa để hạn chế việc đi lại, tạo thêm thời gian nghỉ ngơi tại chỗ cho công nhân.
Với Cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai), không khí có phần trầm lắng hơn. Ông Bùi Đình Dư, Giám đốc Ban Quản lý dự án cụm công nghiệp Thanh Oai cho biết, hiện mới có khoảng hơn 30% số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất sau nghỉ Tết. Thuê đất trong cụm công nghiệp này là những đơn vị sản xuất sản phẩm giày, da, xây dựng, đồ uống còn gặp khó khăn do xuất khẩu khó khăn nên công nhân phải luân phiên nghỉ, hoạt động sản xuất duy trì cầm chừng. Một số doanh nghiệp cũng có nguyện vọng mong được quan tâm, hỗ trợ hạ thấp lãi suất vay vốn sản xuất, miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất… để giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đề ra nhiều giải pháp thực hiện
Lãnh đạo các doanh nghiệp đều có chung nhận định, cùng với nỗ lực phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ người lao động và hoạt động sản xuất.
Thông tin thêm về điều này, ông Thân Đức Việt cho biết, để hoàn thành các chỉ tiêu thi đua, Tổng công ty May 10-CTCP đã đề ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, công ty phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đơn vị. Cùng với đó là tổ chức lại hệ thống quản lý sản xuất, sắp xếp lại cán bộ, đội ngũ lao động gián tiếp; tập trung nghiên cứu thị trường, lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp với nguồn lực thiết bị, tay nghề công nhân, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh kinh doanh nội địa.
“Chúng tôi cũng sẽ chuyển đổi sản phẩm trong sản xuất, sẵn sàng thích ứng linh hoạt với sản phẩm mới, nâng cao năng suất khoảng 10-15% để bù đắp cho giá gia công giảm. Cùng với đó là tập trung hoạt động đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển; triệt để tiết kiệm trên tất cả lĩnh vực, tại từng vị trí, trong từng hoạt động của tổng công ty”, ông Việt nói.
Còn theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho người lao động là ưu tiên số một. Cùng với đó, công ty quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất, qua đó, hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam, phấn đấu đạt doanh thu là 6.300 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước.
Trước đó, để duy trì nhịp độ sản xuất, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Cùng với đó, Bộ Công Thương yêu cầu ưu tiên cao độ công tác phòng, chống dịch Covid-19; tập trung chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm. Các doanh nghiệp cũng cần khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản, thâm nhập các thị trường mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.