Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ thuật truyền thống và du lịch: Cái "bắt tay" còn chưa chặt

Lâm Vũ| 19/02/2017 07:22

(HNM) - Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thu hút khán giả, các nhà hát cần gắn kết với ngành Du lịch. Ngược lại, để làm phong phú, sinh động tour và thu hút khách du lịch, các công ty lữ hành rất cần sự hỗ trợ từ các nhà hát. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa có cái

Du khách quốc tế xếp hàng mua vé tại Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Ảnh: Anh Tuấn


Hiện tượng hiếm hoi

Nói về sự thành công trong việc thu hút khách du lịch trên địa bàn Hà Nội, không thể không nhắc đến Nhà hát Múa rối Thăng Long. Năm 2013, Nhà hát này vinh dự mang về cho đất nước kỷ lục "Nhà hát duy nhất tại Châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm". NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát cho biết, mỗi tháng nhà hát đón gần 10.000 lượt khách quốc tế, 3.000 lượt khách nội địa, trong đó lượng khách đi theo tour chiếm 70 - 80%. Ngoài số giờ diễn cố định, nhà hát còn phục vụ theo yêu cầu của khách, bất kể giờ giấc. Nếu như trước kia, nhà hát chỉ ký kết hợp đồng với rất ít công ty lữ hành, thì hiện tại nhà hát có mối quan hệ với hơn 300 công ty lữ hành.

"Hằng năm, chúng tôi tổ chức các cuộc trưng cầu ý kiến từ một số công ty lữ hành để biết được nhu cầu của khách, thời gian, thời lượng của chương trình bao nhiêu là phù hợp với khách du lịch. Chương trình nên xây dựng ra sao để khách du lịch của tất cả các nước đều có thể hiểu được ngôn ngữ chung, nhất là hành động” - NSND Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ.

Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, thời gian tới, nhà hát vừa duy trì chương trình, vừa cố gắng tìm kiếm trong kho tàng dân gian một số tiết mục mới, vì không thể diễn mãi một chương trình. "Trong kho tàng sân khấu múa rối nước có tới hơn 400 trò và từ xưa tới nay, chúng tôi mới đúc kết được 17 trò tinh hoa nhất. Chính vì vậy, chúng tôi muốn khai thác thêm ở trong vốn cổ, tìm ra các trò hay hơn để đổi mới chương trình hiện nay. Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các công ty lữ hành cũng như khách du lịch bằng cách chỉnh trang lại các phòng đợi, cung cấp báo, tạp chí, wifi, nước uống miễn phí, bán vé qua mạng…" - NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết thêm.

Chính nhờ tính độc đáo không nơi nào có của múa rối nước, cộng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nghệ sĩ, Nhà hát Múa rối Thăng Long là nhà hát hiếm hoi và thành công nhất trong việc thu hút khán giả nói chung, khách du lịch nói riêng đến với mình.

Xây dựng những chương trình hấp dẫn

Cách đây không lâu đã có một chuỗi hoạt động mang tính khởi động cho chương trình nghệ thuật đồng hành cùng du lịch, với sự tham gia của Nhà hát Tuồng, Nhà hát Chèo Việt Nam… Thế nhưng, sau những buổi gặp gỡ trên, Nhà hát Chèo Hà Nội không đón được nhiều khán giả từ các công ty du lịch đưa tới. Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã lên lịch biểu diễn định kỳ 2 buổi/tuần để phục vụ khách quốc tế, nhưng thu hút được rất ít du khách…

Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Five Star Travel chia sẻ, việc đưa đoàn du khách đến các điểm biểu diễn nghệ thuật gặp khó khăn, vì các nhà hát thường nằm trong thành phố, đi lại không thuận tiện, bãi đỗ xe chật chội. Các chương trình cũng chưa phù hợp với du khách nước ngoài...

NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết, nhà hát đã có chương trình giới thiệu văn hóa vùng miền Việt Nam đến khách quốc tế hiện đang sinh sống, du lịch, làm việc, học tập tại Việt Nam bằng tiếng Anh và đã hoạt động được 4 năm, diễn vào tối cuối tuần để phục vụ khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện tại nhà hát chỉ hoạt động trong chức năng, nhiệm vụ của mình, còn để quảng bá rộng rãi đến các công ty du lịch thì chưa có kinh phí. Nhà hát có xây dựng một phòng dịch trực tiếp sang tiếng Anh và mỗi buổi biểu diễn cũng đón từ 25 đến 30 khách, với giá vé 180.000 đồng/người.

Theo chủ trương của Bộ VH, TT&DL, bắt đầu từ trung tuần tháng 9-2016, vào các ngày cuối tuần, 12 nhà hát thuộc Bộ VH, TT&DL lần lượt trình diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Đặng Bích Thọ, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtour thì, "Nhà hát Lớn vừa có chương trình “Làng tôi”, mô hình biểu diễn dựa trên chất liệu tre và xiếc tạp kỹ khá hay, nhưng đưa vào tour giới thiệu với khách nước ngoài là cả một vấn đề…".

Để gắn kết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với du lịch, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải xây dựng được những chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, thời lượng vừa phải (khoảng 45 phút), sử dụng những loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, quan họ, đàn ca tài tử, hòa tấu nhạc dân tộc, múa rối cạn…), nhưng không quá hàn lâm mà nhẹ nhàng, thiên về giải trí, tạo cảm hứng cho khán giả.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL giao cho các đơn vị trong tháng 2-2017 phải xây dựng xong đề án về các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn, những nội dung về sản phẩm văn hóa du lịch và đề án thu hút khách du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng chương trình này. Trong tháng 3-2017, tổ chức marketing, quảng bá chương trình, sản phẩm mới; mời doanh nghiệp, báo chí đến khảo sát, lấy ý kiến về sản phẩm và tháng 4-2017 đưa vào khai thác.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, nghệ thuật truyền thống và ngành Du lịch sẽ có sự hợp tác ăn ý, hiệu quả, đem lại lợi ích tương xứng cho từng lĩnh vực nói riêng và cho đất nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật truyền thống và du lịch: Cái "bắt tay" còn chưa chặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.