Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ phải có ý thức khi hoạt động trên không gian mạng

An Nhi| 19/04/2023 18:50

(HNMO) - Nghệ sĩ và giới trẻ cần chung tay xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng, đó là mục tiêu hướng đến từ cuộc tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử - Like day - trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ”, diễn ra chiều 19-4, tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quá nhiều ứng xử xấu xí

Đề dẫn tọa đàm, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn, kiêm Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa Chu Anh Hùng nhấn mạnh, tọa đàm do Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros tổ chức với mong muốn lan tỏa thông điệp tới mọi tầng lớp người dân, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam, cùng nhau chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, thanh lịch trên mạng xã hội. 

Là một người hoạt động xã hội tích cực, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros Lê Quốc Vinh nhận định, không gian mạng hay mạng xã hội đem lại nhiều mặt tích cực, đó là kết nối mọi người, chia sẻ thông tin, lan tỏa những hành động tốt đẹp, hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn. Song song với đó, không gian mạng cũng ẩn chứa những điều tiêu cực, như hành vi nói tục, chửi bậy; lên án, phê phán người khác thiếu cơ sở… Điều này gây ảnh hưởng đến giới trẻ - những người ít có khả năng miễn nhiễm với “sự tấn công” trên mạng, nhất là từ hành động, lời nói của người có tầm ảnh hưởng, nghệ sĩ… mà họ hâm mộ. 

Cùng ý kiến, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng. Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa đến xã hội, còn giới trẻ là lực lượng xuất hiện đông đảo, năng động, dành nhiều thời gian tham gia không gian mạng.

GS.TS Từ Thị Loan trao đổi tại tọa đàm.

Theo bà Từ Thị Loan, thông qua không gian mạng, nghệ sĩ có thể công bố tác phẩm của mình, đưa đến công chúng những sản phẩm sáng tạo nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không biên giới. Cùng với đó, có nhiều nghệ sĩ đã sử dụng mạng xã hội để làm công tác thiện nguyện, công tác xã hội, tuyên truyền, lan tỏa những hành động đẹp. Song có một bộ phận người hoạt động nghệ thuật có ứng xử xấu xí trên không gian mạng như tranh cãi, đấu tố đồng nghiệp, quảng cáo sai sự thật nhằm thu lợi… Nhờ không gian mạng, giới trẻ hiện nay tích cực thể hiện mình hơn, bày tỏ tinh thần dân tộc, trách nhiệm với những vấn đề thời sự, như chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; phòng, chống dịch… Nhưng không ít bạn trẻ đã đăng tải thông tin tiêu cực, hành động thiếu văn hóa nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng…

“Theo khảo sát được Microsoft công bố mới đây, Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước”, GS.TS Từ Thị Loan bày tỏ.

Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Việc tham gia không gian mạng là nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là với nghệ sĩ và giới trẻ hiện nay. Ở góc độ người hoạt động nghệ thuật cũng như là một bậc phụ huynh, siêu mẫu Hạ Vy cho biết, nghệ sĩ phải ý thức về tầm ảnh hưởng của mình, nên khi tham gia không gian mạng luôn cân nhắc hành vi, lời nói, hình ảnh sao cho chuẩn mực, có ảnh hưởng tốt đến mọi người.

Theo siêu mẫu này, đối với những người hoạt động nghệ thuật, người nổi tiếng có hành động phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục thì các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh như khóa tài khoản hoạt động. Nghệ sĩ cũng cần có trách nhiệm theo sát, hướng dẫn cho con cái và những bạn trẻ xung quanh cách ứng xử văn minh, lịch sự trên không gian mạng.

Diễn viên Hàn Trang cũng cho rằng, việc ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm thì điều thiệt thòi thuộc về nghệ sĩ, bởi các đơn vị nghệ thuật, nhãn hàng hay tổ chức sẽ hạn chế hoặc không sử dụng hình ảnh của mình. 

Các nghệ sĩ trẻ tích cực trao đổi ý kiến.

Từ góc độ của người trẻ, Thanh Dương, sinh viên Trường Đại học Văn hóa cho biết, khi tham gia không gian mạng, giới trẻ rất muốn kiếm tìm những điều tích cực, hành động đẹp để học tập và ủng hộ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xấu, tiêu cực dễ khiến bạn trẻ tò mò. Vì vậy, sinh viên này mong muốn cơ quan chức năng quan tâm quản lý, ngăn chặn thông tin xấu trên không gian mạng.  

Để tạo môi trường hoạt động trên không gian mạng lành mạnh, chấn chỉnh tình trạng một số nghệ sĩ, người nổi tiếng và người trẻ có hành vi lệch chuẩn, trái thuần phong mỹ tục, phản cảm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 512/QĐ-BTTTT ngày 31-3-2023 về việc ban hành kế hoạch hành động cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ tháng 10-2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội; khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hướng Dương cho biết, bên cạnh giám sát thực hiện Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Cục sẽ tiếp tục có nhiều biện pháp nâng cao văn hóa ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trên không gian mạng, như phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; xây dựng hệ thống văn bản quản lý phù hợp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ phải có ý thức khi hoạt động trên không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.