Tiếp theo bài viết “Báo động tình trạng đồ nướng không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan: Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ” đăng trên Báo Hànộmới số ra ngày 13-5, phóng viên tiếp tục khảo sát nguồn gốc các thực phẩm này.
Với nguồn cung phong phú, giá thành rẻ, “xiên bẩn” đa phần là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, được giới thiệu là của Việt Nam chế biến... đang len lỏi đến các cổng trường học, khu dân cư đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng siết chặt quản lý để ngăn chặn.
Nguồn cung sẵn có
Từ số điện thoại 03491326xx tại nhóm Facebook “Hội cá viên chiên, chuyên cung cấp xiên que - topping lẩu - buffet” (315.000 thành viên), phóng viên Báo Hànộimới đã nhận được báo giá của 85 loại thực phẩm do Việt Nam sản xuất và trên 40 loại của Trung Quốc. Theo giới thiệu về nguồn gốc, xuất xứ và giấy tờ chứng minh của người bán tên Hương, thì các loại viên của Việt Nam được cơ sở này nhập của các đơn vị sản xuất trong nước. Còn hàng Trung Quốc nhập lậu qua cửa khẩu nên không có giấy tờ.
Đáng nói, giá sản phẩm rất “mềm”, 1 gói chả mực xoắn ống được ưa chuộng mà các cơ sở bán “xiên bẩn” hay giới thiệu là hàng của Việt Nam, nhưng thực chất trên bao bì là chữ Trung Quốc, chỉ 65.000 đồng/kg. Mỗi gói khoảng 70 viên, qua tay người bán lẻ là 2.000 đồng/viên. Các loại tôm hùm viên, há cảo, sủi cảo, thanh cua, xúc xích… đều có giá trung bình từ 50.000-75.000 đồng/kg. Có mặt tại kho hàng người bán giới thiệu tại ngõ 328 đường Tây Mỗ (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) sáng 13-5, phóng viên ghi nhận một vài người đang đóng hàng vào thùng xốp. Tuy nhiên, đây là nhà riêng, không có biển hiệu, tên kho hay cửa hàng như lời giới thiệu. Tương tự, thông qua số điện thoại 082903xxxx, phóng viên được người bán hàng tên Luân giới thiệu món gà viên KFC với giá chỉ 60.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại chợ đầu mối Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) có quầy hàng “Thực phẩm Hồng Quân”, chuyên bán buôn và lẻ các loại xúc xích, viên cá, thịt, rau củ các loại, giá chỉ hơn 20.000 đồng/túi 0,5kg với nhãn mác đầy đủ, rõ hạn sử dụng. Ngoài ra, cơ sở này còn bán các loại nước sốt me, tương ớt, tương ớt chua ngọt, giá 50.000-120.000 đồng can/5 lít.
Phó Trưởng ban Quản lý chợ Phùng Khoang Nguyễn Bá Doan thông tin, cơ sở này có “Bản tự công bố sản phẩm”, trong đó thể hiện thông tin về thành phần tạo ra sản phẩm, nơi sản xuất đều ở trong nước. Hằng năm, các cơ sở kinh doanh trong chợ đều chịu sự kiểm tra đột xuất và định kỳ về an toàn thực phẩm của các lực lượng chức năng như: Cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, y tế... Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ sở Hồng Quân chưa được cơ quan chức năng nào kiểm tra vì mới hoạt động được ít tháng nay.
Các cơ quan chức năng nói gì?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với những loại “xiên bẩn” nêu trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, các cơ sở thức ăn đường phố thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện. Chi cục chỉ tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành của các địa phương về loại hình thức ăn đường phố và sẽ chỉ đạo nếu có vụ việc phát sinh.
Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Tô Hà thông tin, trên địa bàn quận có 154 cơ sở thức ăn đường phố, thuộc thẩm quyền UBND các phường quản lý.
Từ đầu tháng 5-2024 đến nay, các phường đã kiểm tra, giám sát 42 cơ sở; kết quả có 32 cơ sở đạt tiêu chuẩn, 10 cơ sở vi phạm quy định về các nội dung: Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; hàng hóa không có tem nhãn phụ...
Nhấn mạnh thêm, bà Nguyễn Thị Tô Hà nêu thực tế, trong quá trình kiểm tra, UBND các phường gặp nhiều khó khăn do các cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ. Hơn nữa, các cơ sở bày bán tại các khu tập thể cũ trong diện quy hoạch giải tỏa nên không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Với những phản ánh của Báo Hànộimới, phòng sẽ tham mưu để UBND quận yêu cầu các phường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Các cơ quan chức năng đã kiểm tra thường xuyên nhưng số cơ sở vi phạm chưa thực sự nhiều hoặc không có vi phạm. Vậy, vì sao người dùng vẫn chưa an tâm, vẫn ái ngại về chất lượng “xiên bẩn” và canh cánh với câu hỏi: Liệu việc kiểm tra, thanh tra của lực lượng chức năng đã “đến nơi, đến chốn”?
Đề nghị cơ quan chức năng truy đến cùng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và công khai kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các loại thực phẩm nêu trên tại nơi bán. Đồng thời, cần siết chặt quản lý, yêu cầu các cơ sở bán thức ăn đường phố, bán đồ ăn vặt phải niêm yết bản tự công bố sản phẩm, trong đó ghi rõ thành phần các chất có trong sản phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.