(HNM) - Tại phiên họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức, một đại biểu cho rằng nhiều người dân vẫn gặp nhũng nhiễu khi làm sổ đỏ. Đơn cử, tại KĐT Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm), có thông tin cho rằng phí
Ông Trần Hùng (phường La Khê, quận Hà Đông): Người dân cần mạnh dạn đấu tranh chống tiêu cực
Chuyện nhũng nhiễu người dân khi làm sổ đỏ không phải bây giờ mới có thông tin, mà đã được xới xáo từ nhiều năm nay nhưng việc khắc phục tình trạng này xem ra rất khó. Để xảy ra tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ một phần là do chính người dân gây ra. Nếu người dân tuân thủ đúng quy trình theo quy định; trong quá trình đi làm sổ đỏ, nếu phát hiện cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó dễ, người dân có ý kiến ngay với cơ quan quản lý cấp trên hoặc chính quyền sở tại thì tình hình sẽ khác. Theo tôi, một trong những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc cấp sổ đỏ đó là chính người dân phải mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người chống tiêu cực.
Ông Phạm Ngọc Ninh (phường Phú La, quận Hà Đông): Còn nhiều "biến tướng" trong cấp sổ đỏ
Tôi có người nhà mua căn hộ liền kề tại một KĐT ở quận Hà Đông, đã thanh toán xong các khoản liên quan đến nghĩa vụ tài chính, được nhận bàn giao nhà và về ở được 2-3 năm, nhưng vẫn chưa có sổ đỏ. Vài tháng trước, chủ đầu tư yêu cầu các hộ dân trong KĐT nộp hồ sơ gồm các biên bản, hợp đồng, chứng từ gốc… để được hoàn thiện thủ tục xin cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ. Thế nhưng, một thời gian sau, chủ đầu tư lại quay ra buộc chúng tôi phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng với 5% giá trị nhà xây thô, thì mới được hoàn thiện các thủ tục để được cấp sổ đỏ. Một số hộ không chấp nhận, cho rằng đây là đòi hỏi phi lý vì họ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính nên không nộp nữa, đòi lại giấy tờ gốc để tự đến cơ quan chức năng làm sổ đỏ. Nhưng chủ đầu tư lại gây khó khăn cho các hộ, không trả lại hồ sơ… Vậy thử hỏi "vấn nạn" nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ đang biến tướng sang hình thức gì? Người dân tại KĐT đã chờ mấy năm trời, nay lại bị hành như vậy, họ còn phải đợi đến bao giờ mới được cầm sổ đỏ trong tay? Cơ quan nhà nước nào sẽ đứng ra bảo vệ họ nếu chủ đầu tư cố tình gây khó khăn, không trả lại hồ sơ gốc căn nhà của họ?
Bà Quách Thúy Hà (phường Mộ Lao, quận Hà Đông): Phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả
Nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ, trong quản lý trật tự xây dựng… là những cụm từ thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống, vì dường như ở địa phương nào cũng tồn tại vấn đề này. Nghe những điều này ai cũng thấy bức xúc, nhức nhối… nhưng mọi việc vẫn cứ trôi đi và không ai, không cán bộ nào bị xử lý. Trên các diễn đàn, không ai thừa nhận có nhũng nhiễu ở đơn vị mình và lãnh đạo nào cũng gắn liền với điệp khúc "sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện". Vậy vì sao người dân khi bị nhũng nhiễu nhưng vẫn không tố cáo vi phạm? Vì sao thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng cơ quan chức năng không phát hiện vi phạm? Thực tế đó cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này hiệu quả còn thấp, cơ chế xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn nặng tính hình thức. Người tố cáo chưa được bảo vệ theo đúng quy định và có thể sai phạm của cán bộ còn được bao che nên người dân không muốn "được vạ thì má đã sưng". Nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt trong chống tham nhũng, tiêu cực thì vấn nạn nhũng nhiễu sẽ vẫn còn đất để tồn tại, không chỉ trong lĩnh vực đất đai.
Chị Đỗ Thanh Nhàn (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì):Phải chỉ rõ người vi phạm
Nạn nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ là hiện tượng ai cũng biết, nhưng không dễ gì có thể xử lý triệt để bởi khó tìm bằng chứng, bởi chúng ta mới "nghe" mà ít thấy. Do đó, người nhũng nhiễu, vòi vĩnh chưa bị xử lý và chừng nào người vi phạm không bị xử lý thì tiêu cực sẽ vẫn còn. Vấn đề là chúng ta phải chỉ mặt được người nhũng nhiễu, vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội mới có tác dụng răn đe. Chúng tôi rất phấn khởi thấy Bí thư Thành ủy đã trực tiếp chỉ đạo chấn chỉnh hiện tượng này. Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng thành phố khẩn trương vào cuộc, xác định thông tin người dân tại KĐT Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm) phải mất phí "bôi trơn" gần chục triệu đồng để được nhận sổ đỏ, làm rõ có hay không "đường dây" chạy sổ đỏ ở thành phố ta. Tôi tin rằng, khi làm rõ thông tin này và xử lý nghiêm, nhiều người dân khác sẽ có niềm tin để tiếp tục tố cáo hành vi tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức đang trực tiếp làm công việc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.