Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ngày yên ả” có thật sự bình yên?

Lâm Phương| 06/12/2014 07:10

(HNM) - Chút hy vọng nhằm giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine lại vừa lóe sáng khi chính quyền Kiev và lực lượng ly khai tuyên bố nhất trí ngừng bắn dọc vùng chiến sự miền Đông ngày 9-12 tới.

Theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, "ngày yên ả" đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến miền Đông vào ngày 10-12, miễn là lực lượng ly khai cũng tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Nga cũng đã cử các chuyên gia quân sự tới giúp các bên xung đột thống nhất về phòng tuyến phân chia cũng như những bước đi cụ thể để rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng đệm phi quân sự có bán kính 15km về hai bên đường giới tuyến. Cùng với đó, phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng được phép triển khai.

Vũ khí hạng nặng dự kiến sẽ được rút khỏi tiền tuyến miền Đông vào ngày 10-12.



Đây là nỗ lực thứ ba nhằm chấm dứt cuộc chiến nổ ra trên diện rộng từ tháng 4 trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất tại Châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Trước đó, thỏa thuận ngừng bắn được ký kết ngày 5-9 giữa Kiev và đại diện hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk dưới sự chứng kiến của OSCE và Nga đã nhanh chóng đổ vỡ. Một thỏa thuận ngừng bắn khác dự định triển khai từ đầu tuần này cũng sụp đổ do hỏa lực pháo kích giữa các bên không ngừng tuôn trào ở sân bay Donetsk.

Như vậy, nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện như người ta từng lo ngại ít ngày trước đây khi cả quân đội Ukraine và lực lượng ly khai tung ra những động thái tăng cường lực lượng, đã tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ về tính bền vững của thỏa thuận ngừng bắn mới nhất này vì thái độ giữa các bên liên quan tới cuộc xung đột, đặc biệt là cuộc đấu trí giữa Nga với phương Tây trong cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Với kịch bản ngừng bắn vừa được xây dựng, có thể hiểu rằng, một đường biên giới vừa được "vẽ ra" bên trong lãnh thổ Ukraine, chia cắt đất nước bên bờ Biển Đen thành hai mảnh. Nói cụ thể hơn, lực lượng ly khai sẽ nắm quyền kiểm soát miền Đông - vùng công nghiệp chính của quốc gia này - tạo ra một vùng đệm quan trọng giữa Nga và phương Tây. Điều này không khỏi khiến người ta liên tưởng tới kịch bản tại nước Đức trước năm 1989, thời kỳ quan hệ Liên Xô - phương Tây rơi vào trạng thái đối đầu với những xung đột chính trị căng thẳng và cạnh tranh cả về quân sự lẫn kinh tế.

Dù vẫn có luồng ý kiến lạc quan cho rằng, Nga và Mỹ, EU khó có thể trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, song hiện tại chưa có một kế hoạch nào được xây dựng cho thấy hòa bình sẽ sớm trở lại với Ukraine - quốc gia đang được ví như một "tiên phong" trên bàn cờ địa - chính trị của các nước lớn. "Cổ phần" trong "cuộc chơi" này với phương Tây có liên quan tới việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang hướng Đông. Còn với Nga, đó là việc tăng cường thành viên cho Liên minh Á - Âu được Tổng thống Vladimir Putin xây dựng. Vì thế, các nhà phân tích lo ngại, "ngày yên ả" sẽ không kéo dài lâu như người dân Ukraine kỳ vọng. Và các bên sẽ nhanh chóng trở lại cuộc xung đột nhằm theo đuổi những toan tính riêng mà nạn nhân đáng thương nhất chính là dân thường Ukraine.

Không ít nhận định cho rằng, cuộc đọ sức của các cường quốc có thể biến Ukraine trở thành cuộc xung đột thập kỷ tại Châu Âu như Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier từng lo ngại. Cách đây ít ngày, khi trả lời kênh truyền hình ZDF, ông đã nói rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như những tranh cãi giữa Nga và phương Tây xoay quanh vấn đề này chưa thể giải quyết trong thời gian trước mắt. Theo nhà ngoại giao Đức, người ta "chỉ mất 14 ngày để khơi mào ra cuộc xung đột nhưng có thể phải mất 14 năm mới giải quyết được nó".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Ngày yên ả” có thật sự bình yên?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.