Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày tiễn Táo quân về trời

Hoàng Lân| 28/01/2019 10:38

(HNMO) – Hôm nay - 23 tháng Chạp, ngày mà theo phong tục dân gian của người Việt, Táo quân sẽ về Trời báo cáo Ngọc Hoàng mọi việc trong gia chủ...

Mâm cúng ông Công, ông Táo thể hiện sự thành tâm của các gia chủ.


Hiện nay, lễ cúng ông Công, ông Táo của người Việt Nam được thực hiện với nhiều hình thức, tùy vào điều kiện của từng gia đình. Nhà có điều kiện về thời gian, lại khá giả thường sửa soạn mâm cỗ đầy đủ hơn theo truyền thống như: Gà, xôi, bánh chưng, giò, nem, chả, canh măng… Người ít có điều kiện thì đơn giản hơn trong lễ cúng khi chỉ có đĩa xôi, khoanh giò, hoặc giản tiện hơn nữa là hoa quả và tiền vàng. Có gia đình làm lễ cúng chay…

Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, lễ cúng ông Công, ông Táo tốt nhất vẫn là vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện công việc, nhiều gia đình có thể cúng trước 1-2 ngày. Mâm lễ cầu kỳ hay đơn giản phụ thuộc vào điều kiện của từng người, từng gia đình nhưng quan trọng là sự thành tâm, thành kính của gia chủ.

Về cách cúng thế nào là đúng, GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, cách bày biện mâm cơm cúng Táo quân vẫn là ở ban thờ gia tiên. Hiện nay, có nhiều người cho rằng ông Công, ông Táo là thần bếp nên cúng ở bếp, có người lại đặt mâm cúng giữa nhà, đó đều là những quan niệm không đúng.

Về việc thả cá chép sau khi xong lễ cúng, theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, việc thả cá cũng là một nét văn hóa đáng lưu ý của người Việt. Gia chủ nên chọn những nơi nước sạch như ở ao, hồ, sông, suối để thả. Cách thả cũng cần được lưu ý để giúp cá sống sau khi được phóng sinh, thả cá từ từ xuống, chứ không nên thả cá từ trên cao.

Một điều cần lưu ý khác, sau khi thả xong, người dân nên có ý thức bỏ túi ni lông vào thùng rác để bảo vệ môi trường và thể hiện nếp sống văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày tiễn Táo quân về trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.