(HNM) - Tính đến sáng nay 19-12, đã tròn 3 ngày đêm, 12 công nhân phải chống chọi với cái rét thấu xương trong lòng đất tăm tối. Nỗi sợ hãi đang lớn dần!
Trong khi đó, với những khó khăn liên tiếp khi khoan hầm, khả năng 3 ngày nữa, lực lượng cứu hộ cứu nạn mới có thể tiếp cận để cứu người bị nạn. Hàng loạt phương án tiếp tục đưa ra, thậm chí cả giải pháp nổ mìn để cứu người…
Các lực lượng cứu hộ phải đào bằng phương pháp thủ công, tránh chấn động. |
Nếu gây chấn động mạnh sẽ sập tiếp
Hôm qua, hướng khoan thông từ trên đỉnh đồi xuống vị trí hầm sập (hướng dự kiến để đưa áo quần và mền cho các nạn nhân) đi được 42m nhưng đã bị sụp, gãy. Lực lượng cứu hộ đã phải khoan ở vị trí mới. Cũng hôm qua, hệ thống quạt thông gió đột nhiên bị mất điện, nguy cơ ảnh hưởng tới người bị nạn và công nhân đang tham gia cứu hộ. Sau gần 30 phút nỗ lực, đội kỹ thuật của Điện lực Lâm Đồng đã đấu nối điện với hệ thống điện dự phòng, thông khí vào hầm. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, khu vực này cũng thường có dư chấn, nếu gây chấn động mạnh có thể gây sập nên không thể đưa phương tiện lớn vào hầm mà phải làm bằng thủ công. Thành công của cứu hộ đến thời điểm này là đã bơm được nước trong hầm ra ngoài. Nước ngập không còn là nỗi lo đối với các nạn nhân.
Hôm qua 18-12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến hiện trường để trực tiếp chỉ đạo phương án cứu nạn. Theo đó, phương án đang được triển khai là đào 3 nhánh hầm gồm 2 nhánh hầm phụ song song hầm chính theo hình vòng cung để tiếp cận các nạn nhân và 1 nhánh từ trên xuống. Công ty Anthi Việt Nam đã soi 20 điểm của quả đồi để đưa ra mô hình 3D của quả đồi về địa chất, vị trí đường hầm, vị trí những mũi khoan để công tác cứu hộ hiệu quả hơn.
Sau khi thị sát, trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, các lực lượng cứu hộ cứu nạn đang nỗ lực hết sức. Tuy vậy, tốc độ không nhanh được bởi địa chất của khu vực này rất yếu, nếu không tính toán đến rủi ro địa chất thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của những người bên trong. Theo Phó Thủ tướng, với tốc độ đào ở ngách hầm bên phải là tối đa 8m/ngày thì phải mất 3 ngày nữa mới có thể thông vào bên trong. Đáng lưu ý, việc khoan ngách hầm này đang gặp khó vì đụng đá. "Sắp tới phải sử dụng liều thuốc nổ nhỏ để phá đá đi tiếp. Làm như thế phải hết sức thận trọng, bởi nếu không thì đất đá sập xuống, các đường ống tiếp nước hay tiếp sữa, tiếp thức ăn, tiếp ô xy bị vùi đi thì hết sức nguy hiểm" - Phó Thủ tướng nói.
Bằng mọi giá giữ sức cho người bị nạn
Song song với giải pháp cứu nạn, lực lượng cứu hộ xác định, việc giữ sức cho 12 công nhân trong hầm tới ngày tiếp cận là tối quan trọng. Nếu như ngày 17-12, khi nhân viên cứu hộ hô to qua đường ống thông khí nhận phản hồi nhanh thì hôm qua 18-12, tiếng trả lời chậm và yếu hơn. Dù vậy, việc "thổi sữa" và khí ô xy vẫn được bơm vào bên trong. Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Minh Trường, PGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đường ống nuôi dưỡng cho 12 người hiện rất nhỏ. Cơ quan chức năng đã đưa một loại dung dịch chứa các loại dinh dưỡng đặc biệt để có thể bảo đảm được năng lượng và các vitamin hồi sức cho các công nhân. Tuy nhiên dung dịch này không thể truyền bằng đường ống dẫn khí vì sẽ bị loãng đi và không còn tác dụng. Vì vậy việc khoan đường ống lớn hơn tiếp tế từ trên xuống thì công nhân bị nạn sẽ được tiếp tế bằng dung dịch, chắc chắn bảo đảm sức khỏe chống chọi với hiểm nguy tính mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.