Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày càng nhiều người Anh muốn rời khỏi EU

Hoàng Linh| 11/06/2016 08:00

(HNM) - Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 tới, cử tri Anh sẽ được đề nghị trả lời

Nhiều người Anh muốn nước này rời khỏi EU vì lo ngại tình trạng tội phạm liên quan đến người nhập cư.


Ưu thế thực sự nghiêng về phía nào, chưa rõ, nhưng một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, sau vụ khủng bố xảy ra ở Paris và tình trạng tội phạm liên quan đến người nhập cư xuất hiện càng nhiều trong EU thì số người Anh muốn rời khỏi liên minh này ngày càng tăng.

Đảng Độc lập Anh theo đuổi ý tưởng tách khỏi EU với lý do liên minh này "kéo lùi" đảo quốc với quá nhiều luật lệ, áp đặt liên quan tới kinh tế và xã hội... Thêm vào đó, hàng loạt vấn đề từ việc phải chi hàng triệu bảng/năm để duy trì vai trò thành viên trong EU đến khả năng tự chủ về biên giới, cắt giảm số người nhập cư... cũng khiến những người theo đường lối "bảo thủ" Anh không mấy mặn mà.

Trong khi đó, Thủ tướng David Cameron - cùng 16 thành viên nội các - nằm trong số những người muốn nước Anh tiếp tục là thành viên của EU. Hướng quyết định này được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ - gồm cả Mỹ, Đức và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Anh hồi đầu tháng 5, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định xứ Sương mù chọn ở lại EU sẽ giúp Mỹ "tự tin hơn nhiều về sức mạnh của liên minh xuyên Đại Tây Dương". Hiển nhiên, gắn kết với EU sẽ giúp đảo quốc duy trì các hoạt động thương mại thuận lợi hơn, bảo đảm nguồn lao động nhập cư trẻ tuổi - vốn là động lực kích thích tăng trưởng kinh tế và duy trì các khoản thu công. Và đúng như Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg cảnh báo, nếu rời EU vị thế và các quan hệ của quốc gia này trên trường quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu Anh rời EU, các nhà xuất khẩu nước này ngay lập tức có nguy cơ phải chi thêm 5,6 tỷ bảng Anh (8,2 tỷ USD) tiền thuế hải quan/năm - theo cảnh báo của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo. Cụ thể, nếu "dứt áo ra đi", Anh sẽ phải có các thỏa thuận thương mại mới với chính EU và 58 nước đã ký thỏa thuận tự do thương mại với EU. Ông R.Azevedo cũng nhận định: Brexit (quyết định đi hay ở lại EU) sẽ dẫn tới viễn cảnh Anh và 161 nước thành viên WTO phải tiến hành các cuộc đàm phán đơn phương về những điều khoản liên quan đến tư cách thành viên, bởi các cam kết thương mại giữa Anh và WTO chỉ có hiệu lực khi xứ Sương mù nằm trong EU. Với những tập đoàn lớn, ở lại EU các hoạt động tài chính sẽ thuận lợi hơn nhưng sẽ khó khăn trong các thỏa thuận khi là một phần của EU thay vì quốc gia độc lập. Đây là điều gây khó khăn lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm đặc biệt ủng hộ nước Anh "ra đi".

Nhiều câu hỏi lớn cũng đặt ra với những hệ quả có thể sẽ đến nếu nước Anh rời khỏi EU; rồi những ảnh hưởng mà EU phải gánh chịu khi thiếu vắng cường quốc quân sự này. Thực tế, việc Anh quay lại EU sau khi đã "dứt áo ra đi" là điều có thể, nhưng khi đó sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn vì phải bắt đầu lại các cuộc đàm phán với các thành viên của EU. Điều này không dễ trong bối cảnh nhiều lãnh đạo quốc gia EU không hài lòng với những yêu cầu của Anh - nhất là từ khi đảo quốc này sử dụng vị thế cường quốc kinh tế để từ chối sử dụng đồng tiền chung Châu Âu khi gia nhập. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan ngại là nếu Anh rời khỏi liên minh này có thể sẽ châm ngòi cho hàng loạt động thái tương tự với các thành viên khác trong EU. Trong khi đó, việc mất đi một cường quốc quân sự với thế mạnh về hải quân không khiến EU thích thú trong bối cảnh thế giới chưa hết xung đột vũ trang và còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Trong bối cảnh mâu thuẫn sâu sắc về cách đối phó với cuộc khủng hoảng di cư từ Trung Đông, Châu Phi và Châu Á - tạo ra không ít thách thức với các giá trị cũng như vị thế toàn cầu của EU; đồng thời đe dọa xói mòn sự thống nhất và những giá trị cốt lõi về tự do, bình đẳng, bác ái của khối - việc nước Anh có những lo ngại của riêng mình là điều không quá khó hiểu. Nhưng một nước Anh rời khỏi Cựu lục địa trở thành hiện thực sẽ là cú giáng mạnh vào không chỉ những giá trị cốt lõi của Châu Âu mà còn gây ra những hệ lụy chưa thể tiên liệu trên phạm vi toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày càng nhiều người Anh muốn rời khỏi EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.