(HNM) - Tình hình cháy nổ ngày càng có diễn biến phức tạp. Sau một loạt vụ cháy ở khu chung cư cao tầng, trong ít ngày qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy lại phải tác nghiệp ở nhiều khu dân cư, chợ.
Tại Hà Nội, ngày 22-10 xảy ra vụ cháy ở khu nhà tập thể cũ nằm trên phố Trần Quốc Toản. Hai ngày sau, trong đêm khuya, lửa thiêu rụi cả chục gian hàng tại Chợ Xốm - Hà Đông. Đến tối 26-10, "bà hỏa" lại "hỏi thăm" một căn nhà 4 tầng nằm trên phố Hàng Mã, cướp đi toàn bộ gia sản của hộ gia đình này… May mắn trong những vụ cháy nói trên là không có thiệt hại về người, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tiếp cận khá kịp thời, ngăn không cho ngọn lửa lan sang khu vực dân cư liền kề. Tuy thế, từ những vụ cháy này, khi điểm chung là nơi bị cháy nằm trong khu dân cư đông đúc, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn, đặc biệt là về hiệu quả của công tác phòng ngừa cháy nổ.
Về cơ bản, lực lượng phòng cháy, chữa cháy có hai nhiệm vụ quan trọng, một là dự phòng, không cho hỏa hoạn xảy ra; hai là dập lửa, khắc phục hậu quả khi có hỏa hoạn. Trong hai nhiệm vụ đó, rất khó nói nhiệm vụ nào quan trọng hơn, nhưng chắc chắn là việc phòng cháy phải được ưu tiên hàng đầu, bởi nếu làm tốt phần việc này nghĩa là đã hạn chế được nguy cơ cháy, giảm đáng kể thiệt hại. Nói đó là nhiệm vụ cần được ưu tiên, bởi hậu quả từ những vụ cháy nổ thường rất lớn. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, thống kê được báo chí đăng tải cho thấy trong vòng 5 năm qua đã xảy ra hơn 2.400 vụ cháy, làm chết hơn 40 người, thiệt hại về tài sản khoảng 380 tỷ đồng. Nếu làm tốt hơn công tác phòng cháy, loại bỏ phần lớn nguy cơ gây cháy thì hậu quả không lớn đến vậy.
Nếu ưu tiên cho công tác phòng cháy, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu thì lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại các tỉnh, thành phố cần tập trung nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, tức phòng, đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại các khu vực, nhất là nhiệm vụ quản lý địa bàn, hướng dẫn việc thực hiện Luật phòng cháy chữa cháy; kiểm tra, kiểm soát quy trình, nội quy, điều kiện phòng chống cháy nổ tại cơ sở. Muốn làm tốt công tác phòng cháy nổ, lực lượng phòng cháy chữa cháy và chính quyền cơ sở cần làm tốt công tác dự báo tình huống, xác định chính xác khu vực có nguy cơ cháy nổ cao và đề xuất giải pháp nhằm loại trừ nguy cơ. Để tạo điều kiện cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy hoàn thành nhiệm vụ, cần phải bảo đảm quyền hạn đầy đủ cho lực lượng này khi thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về an toàn cháy nổ.
Những vụ cháy xảy ra gần đây cho thấy việc bảo đảm điều kiện phòng cháy cần được ưu tiên hơn nữa. Sự ưu tiên không chỉ là cung cấp thêm phương tiện, vật tư, kiện toàn đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, mà còn là bảo đảm cho các phòng hướng dẫn, chỉ đạo và phòng cháy thể hiện thực quyền nhằm phát huy vai trò quan trọng của mình trong thực tế. Nếu vai trò đó được phát huy đầy đủ, dựa trên tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, lực lượng phòng cháy có thể nâng cao hiệu quả giám sát cơ sở, giúp hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân gây cháy tại các khu dân cư đông đúc cũng như các khu chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.