Là một loại hình kinh doanh mang lại thu nhập cho nhiều lao động, giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, song hầu hết cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện hoạt động không có giấy phép kinh doanh, chưa kể tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý để các cơ sở này đáp ứng các quy định của pháp luật, nhất là bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ...
Tiềm ẩn hiểm họa cháy nổ
Tìm hiểu tại khu vực thu mua phế liệu ở ngã tư phố Đại Linh - đường Cương Kiên (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho thấy, mỗi ngày có hàng chục xe thu gom, vận chuyển phế liệu về đây, chủ yếu gồm thùng các tông, bao tải dứa đựng giấy, nhựa, chai lọ...
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, nơi thu gom phế liệu này không được trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy; phế liệu tập kết bày tràn lan ngay mặt đường. Chị Nguyễn Thị Huyền, người dân phường Trung Văn cho biết: “Nhìn phế liệu chuyển về mỗi ngày với khối lượng lớn khiến chúng tôi rất e ngại về hiểm họa cháy nổ...".
Tương tự, cơ sở thu gom phế liệu, đồng, nhôm, sắt vụn, đồ cũ tại số 9A phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm) cũng thu nhận một lượng lớn phế liệu chuyển về mỗi ngày. Dù vậy, cơ sở vật chất ở đây lại rất tạm bợ và thiếu an toàn.
Tầng 1 ngôi nhà có diện tích khoảng 50m2 nhìn lụp xụp, thiếu ánh sáng, bên ngoài biển hiệu cũ kỹ cùng cánh cửa đã hoen gỉ, kèm theo đó là nhiều vật dụng cũ, phế liệu để chồng chất lên nhau. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận, hàng trăm tấm bìa các tông đang được nhân viên vận chuyển vào bên trong, đồ đạc chất ngổn ngang, rất khó tìm thấy thiết bị phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở này.
Trên địa bàn phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) hiện cũng có rất nhiều cơ sở thu mua phế liệu phục vụ tái chế, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại điểm thu mua phế liệu ở số nhà 503 đường Cổ Nhuế, đây chỉ là căn nhà quây, lợp mái tôn tạm bợ, bên trong chứa rất nhiều vật dụng như dây điện cũ, hỏng… Chủ cơ sở chỉ để một cửa ra vào, bên trong tối, không có thiết bị phòng, chống cháy nổ theo quy chuẩn.
Cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng trăm điểm kinh doanh phế liệu nằm trong khu dân cư, là nơi tập trung các thiết bị điện cũ hỏng, đồ phế liệu..., tiềm ẩn hiểm họa cháy nổ. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở này đều không có giấy phép kinh doanh do cấp có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, các cơ sở cũng không có giấy phép môi trường và giấy phép xác nhận bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, phường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ, mời các hộ kinh doanh đến để trang bị kiến thức; đồng thời, liên tục nhắc nhở các hộ chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do nhiều chủ cơ sở ý thức còn hạn chế nên hầu hết các cơ sở thu mua phế liệu đều thiếu điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và môi trường.
Để giải quyết tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Mạnh Cường cho biết, phường đang tăng cường lực lượng kiểm tra các khu vực nhà trọ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó, đã tiến hành kiểm tra 12 cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn, yêu cầu thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy. Các cơ sở này hiện hoạt động không phép nên lực lượng chức năng của phường sẽ yêu cầu phải bổ sung đầy đủ các giấy tờ cần thiết như giấy phép kinh doanh, bố trí đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
“Nếu các cơ sở này không đáp ứng được yêu cầu nêu trên, UBND phường sẽ đề xuất UBND quận ra quyết định tạm đình chỉ, khi bảo đảm đầy đủ điều kiện sẽ được hoạt động trở lại. Quan điểm của phường là kiên quyết xử lý vấn đề này”, ông Hoàng Mạnh Cường cho hay.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang, UBND quận giao 21 phường tập trung kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện quản lý, kiểm tra nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó có các cơ sở thu mua phế liệu. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở thường xuyên tự kiểm tra, duy trì các điều kiện an toàn cháy nổ. Đồng thời, quận sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm. Đặc biệt, UBND quận chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình trong lĩnh vực này.
Thu mua phế liệu là loại hình kinh doanh giúp làm sạch môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tăng sinh kế cho người lao động. Tuy nhiên, việc các cơ sở hoạt động không có giấy phép kinh doanh, không chịu sự kiểm soát chặt chẽ về mặt pháp lý sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ và hủy hoại môi trường. Đã đến lúc chính quyền địa phương cần có các biện pháp giám sát, kiểm tra thường xuyên, liên tục; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ cho lao động thu gom, xử lý phế liệu, cũng như chủ cơ sở thu mua phế liệu, từng bước đẩy lùi nguy cơ mất an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.