Ngày 12-7, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, 6 tháng qua, Ban Giám đốc Công an thành phố, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền thành phố chỉ đạo quyết liệt công tác PCCC&CNCH, góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô.
Đặc biệt, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đề ra các nhóm giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc thời gian tới.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thường xuyên duy trì các tổ công tác tổ chức làm việc, hướng dẫn Công an cấp huyện, xã và cơ sở về việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu công tác PCCC&CNCH; qua đó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện định kỳ nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cho cán bộ, chiến sĩ PCCC; một lớp huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cho 698 chiến sĩ nghĩa vụ nhập ngũ năm 2024; một lớp tập huấn chuyên sâu công tác CNCH dưới nước cho 68 cán bộ, chiến sĩ đã có chứng chỉ nghề lặn.
Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết, 6 tháng cuối năm, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục triển khai đầy đủ, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả quy định và chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức tuyên truyền, với phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng”…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tá Dương Đức Hải ghi nhận những thành tích, kết quả đạt được của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa bàn cần nghiêm túc khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, đã được chỉ ra.
Phó Giám đốc Công an thành phố yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị phải tự rà soát các tồn tại, hạn chế của đơn vị mình; tổ chức rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; từ đó chủ động đề ra biện pháp, giải pháp khắc phục, nhằm kiềm chế, kéo giảm số vụ cháy, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.