Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngắm phác thảo thấy những tác phẩm lớn

Yên Nga| 01/07/2018 07:42

(HNM) - Lần đầu tiên, công chúng Thủ đô được thưởng lãm bộ sưu tập phác thảo tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí do Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh lưu giữ.


Triển lãm được thực hiện nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người xếp đầu tiên trong 2 bộ tứ hội họa lừng danh của Việt Nam: Trí - Lân - Vân - Cẩn, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Ông là người con của xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội. Ông theo học khóa IV (1928-1933) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng vì việc riêng phải nghỉ giữa chừng, sau đó lại tiếp tục theo học khóa VII (1931-1936). Nói đến Nguyễn Gia Trí là nhắc đến người có công đầu trong việc mở con đường đưa sơn ta của mỹ nghệ truyền thống thành sơn mài hội họa đặc trưng của dân tộc. Bảng màu trang nhã, bình ổn, kỹ thuật tạo hình hiện đại phương Tây và khả năng tinh nhạy trong nắm bắt đối tượng biểu hiện của ông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật không còn vương vấn chất mỹ nghệ nữa mà trở thành “mỹ thuật thượng đẳng”.

Nguyễn Gia Trí là người cầu kỳ, kỹ tính và say sưa lao động không ai bằng. Để đi đến thành công, nhiều năm ông tuyệt giao với bên ngoài, cô lập mình và sáng tác. Quãng thời gian từ năm 1938-1944 là thời kỳ thịnh của ông với chất liệu sơn mài qua những tác phẩm “Cảnh làng quê”, “Chợ Bờ”, “Hồ Gươm”, “Trung thu”, “Thiếu nữ bên hồ sen”… Sau năm 1954, ông vào miền Nam sinh sống nhưng vẫn giữ nét truyền thống Bắc Bộ trong tranh qua hình dáng thiếu nữ, thôn quê nhưng có những thử nghiệm đa sắc, rộng mở hơn của vùng đất mới.

Triển lãm lần này giới thiệu 40 tư liệu phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh từ năm 1991 đến năm 2010. Ở đây, người ta thấy được sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và sáng tạo của ông. Nhà sưu tập Trương Văn Thuận, người thân thiết với gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Trí kể rằng, một đề tài thường được họa sĩ vẽ phác thảo nhiều lần, ở nhiều góc độ, với các chất liệu, màu sắc khác nhau trước khi hoàn thiện bản thảo chính thức cho một tác phẩm sơn mài. Mỗi chi tiết trong tranh như khuôn mặt, bàn tay, khóm hoa, bụi lá… luôn được ông vẽ tỉ mỉ. Ông cũng có thói quen ghi chép lại mọi công đoạn sáng tác tác phẩm sơn mài trên bản thảo hoặc phác thảo.

Các phác thảo có kích cỡ khác nhau, nhỏ nhất là 15cm x 11cm, lớn nhất là 67cm x 106cm, được thể hiện bằng chất liệu bút bi, bút dạ, sơn dầu, màu nước, chì than, màu sáp… trên giấy. Có bức phác thảo thiếu nữ ba miền trong tà áo dài thướt tha duyên dáng giữa vườn hoa đầy màu sắc hay dáng đứng thiếu nữ đơn lẻ. Có những cụm hoa ở nhiều góc độ, có những chiếc lá sen khi xa khi gần, có những hình ảnh đền chùa, miếu mạo hay hoa văn cổ kính vẽ sắc nét… Nhiều phác thảo tỉ mỉ, chi tiết không khác gì một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.

Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh Trịnh Xuân Yên cho biết, nhiều chi tiết phác thảo ở bộ sưu tập này được sử dụng trong tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” là Bảo vật quốc gia hiện trưng bày thường trực tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Tiếc là tác phẩm mang nhiều kỷ lục như kích thước lớn nhất (200cm x 540cm), được Nhà nước mua với giá cao nhất, được sáng tác trong gần 20 năm, thể hiện sự đặc sắc trong nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí rõ nét, lại chưa thể đưa đến công chúng Thủ đô dịp này. Nhưng có lẽ, chính các phác thảo sẽ thôi thúc mọi người tìm đến tuyệt phẩm ấy của ông tại phương Nam.

Tuy nhiên, công chúng có thể thưởng lãm một Bảo vật quốc gia nữa là bình phong “Thiếu nữ trong vườn” - “Phong cảnh” hai mặt (160cm x 400cm), đang trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Có thể tưởng tượng được, để thực hiện bình phong này, họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng vẽ những phác thảo chi tiết, cẩn trọng như thế. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 10-7.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngắm phác thảo thấy những tác phẩm lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.