Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nét văn hóa đặc sắc ngày xuân

Hà Hiền| 25/01/2017 07:32

(HNM) - Từ xưa đến nay, lễ hội được ví như “mảnh đất” màu mỡ, là không gian văn hóa để các trò chơi dân gian được gìn giữ, lưu truyền. Do đó, cùng với việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, các trò chơi dân gian truyền thống cũng được các ngành, các địa phương quan tâm khôi phục, tổ chức thường xuyên, đặc biệt

Nhiều tầng ý nghĩa

Tết đến, xuân về, không khí lễ hội rộn ràng khắp mọi miền đất nước, cũng là thời điểm các trò chơi dân gian được tổ chức tưng bừng muôn nơi. Tham quan triển lãm - hội chợ “Tết Việt 2017” diễn ra từ ngày 18 đến 24-1 (tức 21 - 27 tháng Chạp) tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư (Hà Nội), anh Barian Lokollo - du khách đến từ Hà Lan thích thú khi xem những chú gà trên “sàn đấu” của Hội thi Gà Hồ. Yêu thích trò chơi này, Barian Lokollo tìm hiểu kỹ hơn triển lãm “Tết Việt”, chăm chú nghe các nghệ nhân dòng tranh dân gian Đông Hồ giới thiệu về ý nghĩa của bức tranh mang hình tượng gà ngày Tết, về các công đoạn sáng tác tranh Đông Hồ. Khi hiểu ra, Barian Lokollo bất ngờ hẹn năm 2018, anh sẽ đưa cả gia đình sang Việt Nam đón Tết, tham gia lễ hội và chơi các trò chơi dân gian.

Các trò chơi dân gian được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dịp đầu xuân hấp dẫn khách tham quan.



Vừa qua, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy), học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cùng hàng nghìn thiếu nhi Thủ đô đã có những trải nghiệm thú vị về văn hóa dân tộc khi trực tiếp tham gia các trò chơi mang đậm bản sắc dân gian như nặn tò he, đánh đu, pháo đất… trong khuôn khổ chương trình Tết Việt. Ngoài ra, đa số lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra trên địa bàn Thủ đô trước, trong và sau Tết Nguyên đán đều có các trò chơi dân gian bổ ích, lý thú.

Khảo sát cho thấy, trò chơi bắt chạch trong chum phổ biến ở rất nhiều lễ hội; trò chơi chải, đua thuyền có trong các lễ hội làng bên bờ sông Đuống, sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ… Ở các lễ hội lớn, trò chơi dân gian vừa là “linh hồn” của lễ hội, vừa góp phần “kể chuyện” lịch sử, văn hóa. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trò chơi dân gian vừa có tính giải trí, rèn luyện thể lực, vừa kích thích sự thông minh, sáng tạo của người chơi. Nhiều trò chơi dân gian đạt tới trình độ nghệ thuật, giàu tính thẩm mỹ, thể hiện sự khéo léo của người chơi. Ở góc độ nào đó, trò chơi dân gian chứa đựng nền văn hóa của dân tộc, giúp con người hiểu hơn về bạn bè, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, gắn kết mối quan hệ cộng đồng. “Trong điều kiện đô thị hóa nhanh, nếu không giữ được lễ hội làng với nghi lễ và trò chơi kéo co vô cùng độc đáo, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đa quốc gia, rất có thể cộng đồng dân cư phường Thạch Bàn sẽ không giữ được tình làng, nghĩa xóm bền chặt như hiện nay”, ông Nguyễn Ngọc Mai, người thường xuyên kéo co trong lễ đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (Long Biên) khẳng định.

Khôi phục phải phù hợp

Do nhiều nguyên nhân, một thời gian dài, không ít lễ hội truyền thống không được tổ chức hoặc tổ chức gián đoạn. Các trò chơi dân gian vì thế cũng bị mai một hoặc mất đi. Những năm gần đây, song song với việc phục dựng lễ hội, các ngành, địa phương quan tâm khôi phục trò chơi dân gian; khuyến khích, tạo điều kiện để các trò chơi này tồn tại, phát triển. Có thể kể đến như đoàn rước cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh); lễ rước nước, tế cá và một số trò chơi có ý nghĩa tri ân công lao các triều đại nhà Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước, cầu mưa thuận, gió hòa mới được tái hiện tại lễ hội đền Trần (Nam Định) từ Xuân Giáp Ngọ (năm 2014) đến nay…

Những ví dụ trên cho thấy, lễ hội và các hoạt động văn hóa ngày xuân là “mảnh đất” màu mỡ để các trò chơi dân gian tồn tại, phát triển. Ngược lại, thiếu các trò chơi dân gian, lễ hội đầu xuân kém vui, kém hấp dẫn. Tiếc rằng, nhiều trò chơi dân gian trong lễ hội hiện nay có biểu hiện đi lệch giá trị văn hóa truyền thống, thậm chí bị lên án là nạn cờ bạc núp bóng lễ hội. Trước thực trạng này, giới nghiên cứu, quản lý văn hóa chỉ rõ, việc khôi phục lễ hội cũng như các trò chơi dân gian cần có sự định hướng rõ ràng, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), lễ hội Việt Nam có điểm chung là bị gián đoạn, đứt quãng trong thời gian dài. Sự đứt quãng đó tạo ra những lỗ hổng trong khâu quản lý, tổ chức và nhận thức của cộng đồng, dẫn đến việc có nhiều chỗ, nhiều nơi tổ chức lễ hội gần giống nhau, các trò chơi trong lễ hội cũng giống nhau, gây nhàm chán. Để phát huy tốt, các địa phương nên tiến hành kiểm kê, đánh giá tổng thể về lễ hội, thấy nghi lễ, trò chơi nào cần thiết khôi phục thì tiến hành một cách bài bản, khoa học, phù hợp với truyền thống văn hóa. Thấy điểm gì bất hợp lý thì kiên quyết loại bỏ.

“Cách này đã được các địa phương trên địa bàn Hà Nội triển khai, hiệu quả thấy rõ. Đó chính là sự háo hức, hào hứng tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đầu xuân của các tầng lớp nhân dân; là sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội những năm gần đây”, bà Lê Thị Minh Lý phản ánh. Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn khẳng định, muốn khôi phục trò chơi dân gian, trước hết cần nghiên cứu xem các trò chơi này có phù hợp với truyền thống của cộng đồng hay không. Khôi phục không đúng hướng, tổ chức trò chơi dân gian theo cách “bắt chước” vừa gây nhàm chán, vừa làm giảm đi giá trị, ý nghĩa của lễ hội...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nét văn hóa đặc sắc ngày xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.