Hà Nội kết nối

Những trò chơi dân gian độc đáo

Mỹ An 25/02/2024 - 20:52

Sau khi đón Tết Nguyên đán, đồng bào Tày, Nùng bước vào mùa lễ hội. Bên cạnh các nghi lễ, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian độc đáo, qua đó còn gửi gắm ước vọng về một năm mới may mắn, ấm no, hạnh phúc.

nem_con.jpg

Ném còn

Ném còn là trò chơi dân gian không thể thiếu trong các lễ hội của người Tày, Nùng, đặc biệt là lễ hội Lồng tồng (xuống đồng). Trò chơi này thường diễn ra trên các khu ruộng vừa gặt hoặc các bãi đất trống. Ở khu vực trung tâm là một cây tre mai cao khoảng 20 - 30m, tương đương với 12 sải tay, đại diện cho 12 tháng trong năm. Phần ngọn được uốn thành vòng tròn, hai mặt dán hai màu vàng, đỏ đại diện cho mặt trời và mặt trăng. Quả còn có hình dạng và kích thước như quả cam to, được khâu thành 6 hoặc 12 múi với các màu sắc khác nhau tượng trưng cho vũ trụ; bên trong nhồi các loại hạt như thóc, bông, cải, đỗ, vừng... Phần đuôi có tua rua nhiều màu, tượng trưng cho tia nắng, hạt mưa nhằm thể hiện mong ước về thời tiết thuận lợi, mùa màng tươi tốt để vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Khi chơi, người ta chia thành 2 đội nam và nữ. Họ cố gắng ném quả còn lọt qua vòng tròn dán giấy màu. Khi quả còn rơi xuống, đội bên kia phải đỡ và tung trở lại. Trò chơi này tượng trưng cho việc ném đi hết những điều xui xẻo của năm cũ để đón nhận năm mới với nhiều may mắn, cuộc sống sinh sôi, mùa màng bội thu.

Lày cỏ

Lày cỏ (hay sai mạ), thường được người Tày, Nùng chơi vào mỗi dịp lễ tết. Trò chơi này gần giống trò “oẳn tù tì” của trẻ con miền xuôi, nhưng phức tạp hơn vì người chơi phải nhanh trí, tập trung để kết hợp giữa suy nghĩ, miệng nói và xòe tay cho đúng quy luật. Trò chơi thường diễn ra giữa hai người. Hai người sẽ đoán xem đối phương ra bao nhiêu ngón tay để xòe đúng số ngón của mình đồng thời phải hô cho chuẩn với tổng số ngón mình dự đoán. Khi hô phải có “đuôi”, nghĩa là đến từ cuối của câu phải ngân và kéo dài từ đó, gọi là “lày mỳ thang”. Mỗi người sẽ có 2 que tre. Ai thua sẽ phải đưa que cho đối phương. Khi hết que sẽ phân định người thua - thắng.

Tức khang

Tức khang trong tiếng Tày là đánh cù, đánh gụ, tương tự như trò đánh quay của trẻ em miền xuôi. Người Tày, Nùng chơi trò này không phân biệt giới tính, tuổi tác và có thể chơi mọi lúc, mọi nơi. Người ta thường chơi theo nhóm, mỗi nhóm không quá 4 người. Bắt đầu cuộc chơi, hai bên cùng bổ quay xuống đất, bên nào quay lâu hơn sẽ thắng và được tấn công con quay của bên thua. Nếu tấn công không trúng sẽ phải để đối phương tấn công. Tức khang là trò chơi hấp dẫn, giúp người chơi rèn luyện sự tập trung, sức khỏe và nhanh nhạy, đồng thời tăng tình đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những trò chơi dân gian độc đáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.