Thời gian cùng với những biến động xã hội và sự thay đổi về không gian văn hóa đã khiến các trò chơi dân gian dần bị lãng quên, hoặc bị thay thế bởi các trò chơi du nhập từ nước ngoài.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ sự quan tâm, nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền và người dân, nhiều trò chơi dân gian đã có sự trở lại mạnh mẽ, thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động cộng đồng.
Nguồn lực từ truyền thống
Trong kho tàng văn hóa dân gian, không thể không tính tới trò chơi dân gian - nhân tố góp một phần không nhỏ tạo nên diện mạo văn hóa truyền thống dân tộc. Xuất phát từ cuộc sống của người dân lao động “một nắng hai sương”, trò chơi dân gian là phương tiện giải trí trong cuộc sống thường ngày, trong các lễ hội, giúp con người xua tan nỗi vất vả, cực nhọc. Cùng với đó, trò chơi dân gian còn được coi là kho tàng cung cấp nội dung và phương pháp giáo dục cho trẻ em - “không thầy, không sách” mà tương đối rõ ràng, đầy đủ.
Mang trong mình giá trị truyền thống tốt đẹp, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã khiến không gian, môi trường sinh hoạt biến đổi, các trò chơi dân gian dần bị lãng quên, bị cải biến hoặc bị thay thế bởi các trò chơi du nhập từ nước ngoài…
Trước thực trạng đó, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội đã chung tay “kéo” cộng đồng trở về với trò chơi dân gian. Tháng 10-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 3511/KH-SGDĐT về Tổ chức trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học không chỉ giúp xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà còn góp phần duy trì, bảo tồn văn hóa truyền thống.
Ngay sau khi kế hoạch nói trên được ban hành, rất nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhiệt liệt ủng hộ và nhận định đây là hoạt động thiết thực góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tại nhiều trường học như Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông), Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm), Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)…, sau những tiết học căng thẳng, học sinh được hòa mình vào các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, ô ăn quan, nhảy lò cò, cướp cờ, trồng nụ trồng hoa…
Tại Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), để khuyến khích học sinh tham gia sân chơi lành mạnh, nhà trường đã tổ chức Hội thi trò chơi dân gian vào tháng 1-2024 với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh.
Tại Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), nhà trường đã tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, có sự sáng tạo trong tổ chức trò chơi dân gian, như tổ chức thi đấu kéo co vào giờ ra chơi các ngày trong tuần, lồng ghép trò chơi nhảy bao bố trong hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền (qua mạng xã hội Zalo, Facebook...).
Bên cạnh đó, các viện bảo tàng trên địa bàn Hà Nội như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội… cũng góp sức vào việc phát huy nguồn lực truyền thống này trong cuộc sống hiện đại. Vào các dịp lễ, Tết, những nơi này thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian như kéo co, nhảy lò cò, múa sạp, rồng rắn lên mây, đi cà kheo, ném còn... để khách tham quan cùng nhau trải nghiệm.
Đáng chú ý, việc đưa trò chơi dân gian trở lại cuộc sống hiện đại còn có sự góp sức của rất nhiều bạn trẻ. Cách đây 8 năm, nhóm My Hanoi đã có nhiều hoạt động hướng đến việc khôi phục, quảng bá nhiều trò chơi dân gian, như kéo co, ô ăn quan, nhảy dây… trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Sau đó 2 năm, nhóm Sân đình ra đời với chung mục đích đưa trò chơi dân gian quay trở lại với cuộc sống đương đại nhưng theo một hướng đi mới, đó là hướng đến hoạt động ở các trường học, gắn trò chơi dân gian với các hoạt động tuyên truyền về lối sống xanh, bảo vệ môi trường…
Không chỉ là trò chơi
Trên thực tế, trò chơi dân gian chỉ có thể “sống lại” và tồn tại lâu bền khi có môi trường, không gian riêng. Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Nhiều trò chơi hiện nay được phục dựng chỉ với ý nghĩa bảo tồn chứ chưa tạo điều kiện để chúng trở về đời sống, nơi nó được sinh ra”.
Có kinh nghiệm trong công tác xây dựng các chương trình giảng dạy về văn hóa Việt và trò chơi dân gian, TS Lư Thị Thanh Lê - giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: Thách thức không thể không nhắc đến khi triển khai trò chơi dân gian trong các nhà trường là còn có người không coi hoạt động giáo dục này như một hình thức thu nhận kiến thức của học sinh. Nhiều cơ sở giáo dục, nhà quản lý có quan niệm rằng, trò chơi dân gian chỉ là hoạt động bổ trợ, tăng cường, nên chỉ cần giới thiệu qua để học sinh nắm được...
Đó là chưa kể khi bắt tay vào triển khai, các trường học thường gặp phải rào cản do không có nhiều tư liệu được biên soạn chi tiết, hấp dẫn; đội ngũ giáo viên trẻ chưa có nhiều trải nghiệm về trò chơi dân gian nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, tạo sự hứng thú cho trẻ.
Nỗ lực vực dậy văn hóa truyền thống
Chín năm trước, Nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là sự khẳng định vị trí, vai trò của trò chơi dân gian trong đời sống đương đại. Không chỉ mang tính chất giải trí, trò chơi dân gian còn đại diện cho văn hóa dân tộc, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Tuy nhiên, để trò chơi dân gian thực sự thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần, trở thành niềm say mê của con trẻ thì còn nhiều việc phải làm, và đó là một câu chuyện dài. Trước tiên là về phương thức bảo tồn. Lo sợ rằng sự mai một của trò chơi dân gian không chỉ làm biến mất những thú chơi mà còn làm tiêu biến phong tục tập quán, thơ ca truyền khẩu..., ban đầu các bảo tàng trên địa bàn thành phố Hà Nội được coi là nơi “cất giấu an toàn” những giá trị của trò chơi dân gian.
Tuy nhiên, những nỗ lực vực dậy văn hóa truyền thống của cả cộng đồng đã chỉ cho chúng ta thấy, bảo tồn các giá trị văn hóa không phải là lưu giữ những giá trị đó trong tủ kính, mà cần phải đánh thức, đưa giá trị văn hóa ấy trở về với cuộc sống thường ngày. Vì thế, không chỉ có các bảo tàng mà cả các trường học, các tổ chức Đoàn, Đội, các trung tâm văn hóa cấp cơ sở, thậm chí là trong mỗi gia đình… cần chung tay tham gia vào công cuộc này. Từ sự đổi mới tư duy ấy, những địa điểm nói trên đã trở thành những bảo tàng “không rào chắn”, nơi bất cứ ai cũng có thể "chạm" vào truyền thống.
Bên cạnh đó, quá trình đưa văn hóa truyền thống vào đời sống đương đại còn vấp phải rào cản mang tên “định kiến”. Để ứng phó với những suy nghĩ cho rằng trò chơi dân gian là cũ kỹ, không hợp thời cuộc và nhàm chán, những người tham gia vào hành trình khôi phục, bảo tồn trò chơi dân gian phải nỗ lực nghiên cứu để đưa ra những cách thức tổ chức phù hợp.
Cần tự hỏi rằng, phải tổ chức như thế nào, tổ chức ở đâu và vào thời điểm nào để trò chơi dân gian được cộng đồng nhiệt tình đón nhận. Giống như cách mà nhóm Sân đình đã làm: Khi nhận ra rằng những đứa trẻ thành phố “không thể cứ mãi lê la kẻ phấn vẽ vôi chơi ô ăn quan trên nền gạch” được, nhóm đã quyết định “hiện đại hóa” trò chơi này. Thế rồi, nhóm đã tự vẽ bàn ô ăn quan và in thành nhiều bản, thay sỏi bằng hạt gỗ…
Với một chút “biến tấu”, những trò chơi dân gian quen thuộc đã mang theo hơi thở hiện đại, thu hút nhiều người tham gia… Và giá trị truyền thống, nhờ đó, vẫn được tiếp nối nhưng mang một màu sắc mới phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.