(HNM) - Đã gần một tuần trôi qua kể từ ngày diễn ra phiên giải trình của lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật để phát triển thể thao thành tích cao cũng như đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 18 vào năm 2019.
Sau phiên giải trình này, vào ngày hôm sau, Báo Hànộimới đã có bài viết với tựa đề "Đầu tư cho ASIAD lần thứ 18: Phải phù hợp với điều kiện của đất nước". Báo dẫn lời của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban, đồng thời thể hiện chính kiến về vấn đề này.
Nhắc lại thông tin đã có gần một tuần nay là bởi trong những ngày vừa qua, dư luận tiếp tục "nóng" với câu chuyện Việt Nam đăng cai tổ chức ASIAD năm 2019. Những gì xuất hiện trên mặt báo trong vài ngày qua cho thấy con số dự chi cho việc đăng cai tổ chức ASIAD - khoảng 150 triệu USD như lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã trình ra trước Ủy ban trong phiên giải trình gây ra mối hoài nghi lớn, ngay một Phó Chủ nhiệm Ủy ban đã phải đặt câu hỏi rằng "cần tìm hiểu kỹ xem có chuyện chia nhỏ tổng kinh phí chi cho chương trình này ra làm nhiều gói nhỏ để trấn an dư luận hay không?"…
Mối quan ngại trong dư luận đang tăng nhanh chóng, đến mức đã xuất hiện ý kiến kèm câu hỏi có nên bỏ quyền đăng cai ASIAD để tránh "gánh nợ"?
Dư luận có lý do để bày tỏ sự lo ngại đối với vấn đề tổ chức ASIAD sau đây chừng 5 năm nữa mà ở đó, có vẻ như xuất phát điểm của sự lo lắng không hẳn hoàn toàn vì khoản kinh phí lớn phải chi trong bối cảnh khó khăn chung, mà còn vì lời biện giải từ người có trách nhiệm chưa đủ sức thuyết phục. Trưa 23-3, trong chuyên mục thể thao cuối tuần được phát trên sóng VTV1, biên tập viên của kênh này đã dẫn nội dung hỏi - trả lời trong phiên giải trình nói trên, ý nói rằng câu trả lời của lãnh đạo ngành thể thao là không thuyết phục, và dẫn lời của một tờ báo là "nhạt và lạc đề".
Tuy thế, đến giờ này, liệu có nên đặt ra vấn đề "bỏ quyền đăng cai ASIAD 2019" hay không? Không cần suy đoán về những hệ lụy xấu có thể xảy đến nếu ta khước từ quyền đăng cai sau khi đã hồ hởi đón nhận cách nay hơn một năm (tháng 11-2012). Thay vì trả lời câu hỏi nên hay không nên tổ chức, cần phải giải bài toán "tổ chức và chuẩn bị tổ chức như thế nào" để vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vừa tạo động lực thúc đẩy nền thể thao phát triển. Bài toán ấy, phần quan trọng nhất nằm trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của ngành thể thao.
Việt Nam từng đăng cai tổ chức SEA Games và Đại hội Thể thao trong nhà Châu Á, những "được" và "mất" từ việc tổ chức những sự kiện thể thao quan trọng này đã tương đối rõ ràng, bài học lớn nhất là tận dụng cơ hội phát triển thể thao, kinh tế - xã hội mà việc đăng cai tổ chức đem lại một cách thông minh, vô tư và rõ trách nhiệm nhằm tạo hiệu quả thực tế. Muốn vậy, cần phải cân nhắc kỹ nên chi tiền vào việc gì, việc ấy có đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước và nhân dân hay chỉ nhằm phục vụ tổ chức ASIAD rồi bỏ đấy. Muốn vậy, cần phải có kế hoạch cụ thể để đón và tận dụng cơ hội mà ASIAD mang lại chứ không thể để xảy ra tình trạng mà như bình luận khá hài hước của biên tập viên thể thao VTV1 là "khoản chi thì cụ thể, nguồn lợi mà ASIAD mang lại thì chung chung". Kế hoạch khả thi của thể thao là gì, của du lịch ra sao, quyền và trách nhiệm của những người, bộ phận liên quan đến việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đó?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.