(HNM) - Số vụ tai nạn lao động xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, gây thiệt hại không nhỏ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác an toàn lao động nhân Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 (diễn ra từ ngày 1 đến hết 31-5), Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Hà Tất Thắng cho rằng, tất cả các bên liên quan cần nâng cao ý thức để giảm nguy cơ gây mất an toàn lao động.
Mỗi năm cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động
- Xin ông cho biết những đánh giá, nhận định về tình trạng tai nạn lao động trong những năm gần đây?
- Hiện tại, việc quản lý về an toàn lao động bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động đã góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa nguy cơ rủi ro của người lao động, người sử dụng lao động. Việc thống kê số vụ việc tai nạn lao động được thực hiện ở cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động cho thấy số vụ có tăng nhưng không nhiều. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động (tăng gần 1.000 vụ so với giai đoạn 2011-2015, khi chưa thống kê ở khu vực không có quan hệ lao động), trong đó có gần 1.000 vụ gây chết người. Đáng chú ý, tần suất tai nạn lao động giảm trung bình 5% mỗi năm.
Tuy nhiên, từ năm 2015 trở về trước, cả nước chỉ có khoảng 5% số doanh nghiệp báo cáo về công tác bảo đảm an toàn lao động và hiện nay tỷ lệ này là 10%. Đặc biệt, tình trạng tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp, tập trung ở những ngành, nghề có nguy cơ cao, như xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất, sử dụng điện… Riêng năm 2020, cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 20 vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.
- Số đơn vị, doanh nghiệp báo cáo về công tác an toàn lao động mới đạt khoảng 10%. Điều đó cho thấy số vụ tai nạn lao động được thống kê chưa phản ánh đúng thực trạng tai nạn lao động, ông nghĩ sao về điều này?
- Qua khảo sát ở các kênh khác, như khoa cấp cứu tại các bệnh viện lớn, sổ khai tử ở các địa phương cho thấy, số người bị thương hoặc tử vong có liên quan đến tai nạn lao động cao gấp 2-3 lần con số thống kê. Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác hơn về thực trạng này, chúng tôi phải tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá.
- Hậu quả do tai nạn lao động là không thể đo đếm. Vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn?
- Theo thống kê của các tỉnh, thành phố, thiệt hại vật chất do tai nạn lao động lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, riêng năm 2020 thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng và 150.000 ngày công lao động. Với người lao động và gia đình, khi không may xảy ra tai nạn lao động họ sẽ bị mất sức khỏe, suy giảm khả năng lao động, giảm thu nhập, thậm chí mất tính mạng…
Đối với doanh nghiệp, ngoài thiệt hại trực tiếp về tài sản, con người, các đơn vị còn bị ảnh hưởng về uy tín, thương hiệu sản phẩm, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Còn xã hội mất đi một bộ phận người lao động, đồng thời tăng gánh nặng ngân sách để triển khai các chính sách an sinh xã hội…
- Theo ông, nguyên nhân nào khiến số vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra nhiều?
- Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chưa đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho những vị trí công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hiện tại, cả nước mới có khoảng 30% số doanh nghiệp đang hoạt động đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn lao động. Hoạt động tự thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa nguy cơ rủi ro chưa được các doanh nghiệp chú trọng. Nhiều người lao động còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm quy định về an toàn lao động.
Đáng nói hơn, việc triển khai công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hiện cả nước có hơn 50 triệu người tham gia lực lượng lao động xã hội, nhưng chỉ có hơn 400 cán bộ thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn lao động. Do lực lượng quá mỏng, nên hoạt động thanh tra, kiểm tra không thể thực hiện thường xuyên, liên tục.
Số lượng các vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng bị khởi tố, đưa ra xét xử còn ít, khiến nhiều người sử dụng lao động cũng như người lao động còn lơ là…
Cần cộng đồng trách nhiệm
- Trước những nguy cơ về mất an toàn lao động, các bên liên quan cần triển khai những giải pháp gì nhằm bảo đảm an toàn lao động, thưa ông?
- Theo tôi, Nhà nước và các địa phương cần tăng nguồn kinh phí, bổ sung lực lượng cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn lao động, nhất là ở cấp cơ sở. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật lĩnh vực này, giúp người sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ việc bảo đảm an toàn lao động là bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản cho chính họ, gia đình, doanh nghiệp.
Các cơ quan chức năng cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại; có cơ chế ràng buộc để doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề phù hợp với vị trí công việc và phải được tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động…
Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần thực hiện thường xuyên hơn, nhất là việc tự kiểm tra tại doanh nghiệp. Căn cứ vào kết quả này, các lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm… Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho người lao động làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động được tiếp cận với chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Điều này giúp người lao động có giá đỡ an sinh xã hội khi không may xảy ra rủi ro…
- Là cơ quan giúp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về an toàn lao động, Cục An toàn lao động có nhiều đề xuất nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn lao động. Ông có thể nêu chi tiết điều này?
- Hiện tại, Cục An toàn lao động đang phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng chương trình khung quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025, để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét, ban hành, làm căn cứ cho các ngành, địa phương bố trí nguồn lực triển khai. Việc tổng kết, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn lao động cũng được quan tâm, qua đó chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp, bổ sung những quy định còn thiếu.
Ngoài ra, Cục còn đang xây dựng đề án “Nghiên cứu tính khả thi về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động”. Theo đó, Cục đề xuất Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, giúp họ được bảo vệ bởi chính sách an sinh xã hội.
Trong huấn luyện an toàn lao động, Cục đã cấp phép hoạt động cho hơn 400 đơn vị và các đơn vị này có thể tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho khoảng 5-7 triệu lượt người/năm. Đặc biệt, trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, Cục sẽ hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng theo hình thức trực tuyến hoặc theo nhóm nhỏ, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.
Có thể thấy rằng, việc bảo đảm an toàn lao động là trách nhiệm không của riêng ai, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, diễn ra hằng ngày. Do đó, tôi mong muốn các bên liên quan cùng cộng đồng trách nhiệm, tăng ý thức phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.